Nông nghiệp

Phát triển cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái

Ngọc Quỳnh 16/08/2023 - 06:19

Thành phố Hà Nội có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây ăn quả đặc sản, như: Cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, nho hạ đen… Việc đưa công nghệ cao vào phát triển cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô, mà còn mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp Hà Nội, góp phần bảo đảm môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân.

nho.jpg
Mô hình trồng nho hạ đen tại xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) thu hút khách du lịch tới tham quan và trải nghiệm. Ảnh: Ánh Ngọc

Mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp

Theo ông Nguyễn Hữu Kỳ ở xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng), gia đình ông tham quan, học hỏi một số mô hình nông nghiệp tại các địa phương khác trước khi mua giống nho hạ đen về trồng. Đến nay, vườn nho của gia đình cho sản lượng cao, mẫu mã đẹp. Không những vậy, gia đình ông còn đầu tư xây dựng vườn nho thành địa điểm tham quan, du lịch trải nghiệm và bán sản phẩm tại vườn. Từ đầu năm đến nay, vườn nho của gia đình ông đã đón gần 200 lượt khách đến tham quan, học hỏi mô hình.

Phát huy lợi thế vùng bãi, người dân xã Kim An (huyện Thanh Oai) đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả: Bưởi Diễn, cam Canh, ổi Đài Loan, táo… Ông Nguyễn Văn Mùa ở xã Kim An chia sẻ, những năm gần đây, người dân vùng bãi Kim An đã gắn phát triển du lịch với nghề trồng cây ăn quả. Vào dịp cuối năm, người dân khắp nơi về Kim An cũng như vườn bưởi của gia đình ông để mua hàng, chụp ảnh lưu niệm, tham quan. Mô hình này không chỉ giúp người dân bán sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng, mà còn quảng bá rộng rãi sản phẩm cây ăn quả của xã.

Đánh giá về hiệu quả của xu hướng mới trong trồng cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, hiện toàn thành phố Hà Nội có hơn 22.000ha cây ăn quả các loại, trong đó có nhiều mô hình trồng cây ăn quả đã ứng dụng khoa học, kỹ thuật, gắn với du lịch sinh thái, cho thu nhập từ 500 đến 700 triệu đồng/ha/năm. Đến nay, thành phố Hà Nội đã xây dựng được 14 vùng sản xuất cây ăn quả giá trị cao, có diện tích 15.500ha, tập trung tại các huyện: Đan Phượng, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Quốc Oai… với 4 loại cây chủ lực: Bưởi, cam, chuối, nhãn.

Nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị cây ăn quả đặc sản, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan mở lớp tập huấn về cải tạo vườn tạp, chiết, ghép cây, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP... Cùng với đó, Sở hỗ trợ các địa phương thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Hiện tại, nhiều địa phương đã phát triển trồng cây ăn quả kết hợp với du lịch sinh thái trải nghiệm, cho hiệu quả kinh tế cao, đồng thời mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp Thủ đô.

Gắn sản xuất với nhu cầu thị trường

Mặc dù thực tế chứng minh bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, song các mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với du lịch sinh thái trên địa bàn thành phố Hà Nội phần lớn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch vùng phát triển bài bản; còn thiếu sự đầu tư về kết cấu hạ tầng, dịch vụ đặc thù để phát triển bền vững...

Để mở rộng vùng trồng cây ăn quả chất lượng cao gắn với du lịch sinh thái, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, thời gian tới, trung tâm tiếp tục hỗ trợ người dân về trồng các mô hình cây ăn quả mới cho giá trị kinh tế cao. Trung tâm sẽ mở các lớp tập huấn về trồng cây ăn quả an toàn gắn với phát triển du lịch. Về phía các địa phương, cần khuyến khích doanh nghiệp du lịch xây dựng tour, tuyến để khai thác sản phẩm du lịch nông nghiệp; động viên, hỗ trợ nông dân cải tạo, chỉnh trang cơ sở vật chất phục vụ du lịch, giữ gìn cảnh quan môi trường; có thái độ ứng xử thân thiện, mến khách, hỗ trợ, phục vụ khách du lịch trong quá trình tham quan, du lịch tại địa phương.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, thành phố Hà Nội sẽ mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP theo hướng hữu cơ và gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm. Thành phố cũng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng trồng cây ăn quả, áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất quy mô lớn. Từ nay đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu có khoảng 50-70% diện tích cây ăn quả được chứng nhận đạt chuẩn chất lượng; đồng thời bố trí đầy đủ nguồn lực phục vụ thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục kết nối với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tìm kiếm thị trường mới, hướng tới xuất khẩu; hỗ trợ xây dựng đường giao thông thủy lợi nội đồng trong các vùng quy hoạch sản xuất cây ăn quả công nghệ cao, nhằm phục vụ tốt cho việc đi lại chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu mà ngành Nông nghiệp hướng tới là từng bước phát triển vùng sản xuất cây ăn quả đồng bộ theo hướng chất lượng cao kết hợp với du lịch sinh thái để tạo cơ hội tiêu thụ sản phẩm cho người dân và khuyến cáo nông dân trồng các loại cây ăn quả ở mức phù hợp, tránh tình trạng cung vượt cầu, ảnh hưởng đến giá bán khi vào vụ thu hoạch.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.