(HNM) - Đó là chị Nguyễn Thị Thanh - Trưởng phòng Chăm sóc nuôi dưỡng trẻ, Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội số II Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH).
Chị Thanh đến với công việc chăm sóc trẻ em có HIV như một cái duyên. Nhiệm vụ ban đầu của chị ở Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội số II là y sĩ điều trị ở phòng Y tế. Năm 2001, trung tâm có thêm nhiệm vụ chăm sóc trẻ em có HIV thì chị được giao đảm trách công việc này từ đó cho đến nay.
Những ngày đầu nhận nhiệm vụ mới, tất cả cán bộ, bác sĩ của trung tâm đều thiếu kỹ năng, cách phòng, chống lây nhiễm HIV khi chăm sóc trẻ. Hầu hết trẻ em khi vào Trung tâm đều là trẻ mồ côi, bị bỏ rơi và sức khỏe rất yếu do bị bệnh nhiễm trùng cơ hội; chưa có thuốc kháng vi rút ARV nên tỉ lệ tử vong rất cao. Chị và đồng nghiệp phải tự học hỏi, mày mò qua sách báo, tài liệu và tham gia những khóa tập huấn ngắn hạn. Năm 2006, được sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức nước ngoài, việc chăm sóc trẻ có HIV toàn diện hơn. Khi sức khỏe của các cháu được ổn định, chị cùng với đồng nghiệp và lãnh đạo đơn vị lại tiếp tục tuyên truyền, thuyết phục lãnh đạo địa phương, ban giám hiệu nhà trường và phụ huynh học sinh để các cháu được đến trường. Những ngày đầu nhân dân địa phương phản đối gay gắt vì họ sợ ảnh hưởng đến con em mình. Bằng sự cố gắng, nỗ lực thuyết phục theo cách "mưa dầm thấm lâu" của chị cùng đồng nghiệp, chính quyền địa phương và nhân dân đã hiểu và chấp thuận. Đến nay, 100% trẻ em sống ở trung tâm đến tuổi đi học đều được học tập theo chương trình chung.
Chị Nguyễn Thị Thanh. |
Chị Nguyễn Thị Thanh cho biết: "Chăm sóc trẻ em không phải là một công việc đơn giản, chăm sóc trẻ em mang trong mình căn bệnh HIV lại càng khó khăn, vất vả gấp trăm lần. Nhưng với tôi, từ lâu nay đã coi trẻ có HIV ở trung tâm như con của mình". Tình thương của chị dành cho trẻ không chỉ ở việc chăm sóc, quan tâm đến cuộc sống hằng ngày của trẻ mà còn thể hiện rõ trong việc tích cực tham mưu, đề xuất kịp thời với ban lãnh đạo trung tâm về công tác chăm sóc trẻ; là sự chỉ đạo sát sao đôn đốc để cán bộ, nhân viên trong phòng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ; là sự kết nối với các tổ chức, đoàn thể, nhóm từ thiện để luôn dành cho các cháu những điều thiết thực nhất, ý nghĩa nhất…
Là người mẹ gần gũi, mẫu mực của những đứa trẻ kém may mắn, chị Nguyễn Thị Thanh còn là người lãnh đạo gương mẫu của hơn 30 cán bộ, nhân viên. Dưới sự chỉ đạo của chị, Phòng Chăm sóc nuôi dưỡng trẻ luôn đạt danh hiệu tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều cá nhân được công nhận là lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cơ sở… Cá nhân chị nhiều năm liên tục được công nhận danh hiệu "chiến sĩ thi đua cơ sở", "Người tốt việc tốt" các cấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.