Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mâu thuẫn liên quan tới cơ chế phòng dịch ở nhiều nước: Cần có giải pháp hài hòa

Hoàng Linh| 12/01/2023 07:08

(HNM) - Kể từ khi Trung Quốc tuyên bố "mở cửa", nhiều mâu thuẫn đã nảy sinh liên quan tới hàng rào phòng, chống dịch Covid-19 khắt khe và chính sách xuất, nhập cảnh, gây bất cập cho nhu cầu đi lại của người dân. Trước thực tế này, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge đã kêu gọi các nước khi thực hiện biện pháp hạn chế đi lại cần căn cứ vào những cơ sở khoa học, triển khai hài hòa và không phân biệt đối xử...

Nguồn thu từ khách du lịch Trung Quốc đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế của nhiều quốc gia.

Mới nhất, từ ngày 10-1, Trung Quốc tạm dừng cấp một số thị thực cho du khách Hàn Quốc và Nhật Bản để đáp trả yêu cầu xét nghiệm Covid-19 đối với người dân nước này khi nhập cảnh 2 nước trên. Theo Lãnh sự quán Trung Quốc tại Hàn Quốc, việc ngừng cấp áp dụng với thị thực ngắn hạn.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Seoul tuyên bố, quyết định này chỉ được điều chỉnh nếu Hàn Quốc loại bỏ “các biện pháp hạn chế phân biệt đối xử” nhằm vào công dân Trung Quốc. Diễn biến tương tự cũng được ghi nhận tại Nhật Bản.

Những động thái trên tương đồng với quan điểm do Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu ra cùng ngày, trong đó nhấn mạnh Trung Quốc “kiên quyết phản đối các chính sách hạn chế nhập cảnh mang tính phân biệt đối xử” không dựa vào căn cứ khoa học mà một số nước đang áp dụng với du khách Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ đáp trả.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lim Soo-suk bảo lưu quan điểm rằng, các biện pháp kiểm dịch tăng cường của Seoul đối với khách từ Trung Quốc dựa trên bằng chứng khách quan và khoa học.

Hiện, Tokyo yêu cầu các chuyến bay trực tiếp đến từ Trung Quốc đại lục chỉ được phép đáp xuống 4 sân bay chỉ định sẵn, đồng thời buộc tất cả những người từ Trung Quốc đại lục và người đã đến đó trong vòng 7 ngày phải xét nghiệm PCR Covid-19 trước khi nhập cảnh.

Về phần mình, Hàn Quốc yêu cầu những người đến từ Trung Quốc đến hết tháng 2-2023 phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2. Hàn Quốc và Nhật Bản chỉ là hai trong số các quốc gia áp đặt các hạn chế đi lại riêng với du khách Trung Quốc. Tới nay, nhiều nước khác gồm Mỹ, Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Australia, Malaysia… cũng đã tăng cường kiểm soát đối với du khách đến từ Trung Quốc.

Căng thẳng giữa các quốc gia liên quan tới biện pháp phòng dịch khiến giới quan sát lo ngại, bởi nhu cầu đi lại của người dân các nước trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa đang tăng lên nhanh chóng. Nhiều ý kiến cho rằng, dù tâm lý cẩn trọng của các chính phủ là chính đáng nhưng những biện pháp phòng vệ quá khắt khe sẽ dẫn tới tác động tiêu cực.

Trong khi đó, một thực tế là nhiều quốc gia đang hy vọng việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp vực dậy nền kinh tế, thúc đẩy triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch cũng đã xúc tiến hàng loạt biện pháp “hút khách” mạnh tay, mong chờ làn sóng tiêu dùng từ quốc gia đông dân nhất thế giới. Những kỳ vọng kiểu như vậy cũng là yếu tố đã nâng giá cổ phiếu châu Á vào ngày 9-1 lên mức cao nhất trong 5 tháng.

Hiện có nhiều ý kiến trái chiều về nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Khác với sự lo ngại của nhiều nước, WHO khu vực châu Âu ngày 10-1 đưa ra nhận định làn sóng Covid-19 hiện nay ở Trung Quốc ít có khả năng tác động đáng kể tới tình hình dịch bệnh toàn cầu.

Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge kêu gọi các nước khi thực hiện biện pháp hạn chế đi lại cần căn cứ vào các cơ sở khoa học, triển khai hài hòa và không phân biệt đối xử.

Rõ ràng, giờ là lúc các quốc gia cần sớm tìm ra giải pháp cân đối giữa mục tiêu tự bảo vệ và nhu cầu đi lại chính đáng của người dân, với đánh giá hợp lý dựa trên các thông tin có căn cứ khoa học.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mâu thuẫn liên quan tới cơ chế phòng dịch ở nhiều nước: Cần có giải pháp hài hòa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.