(HNM) - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa thành lập đoàn kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử lý sim có thông tin thuê bao không đúng quy định tại 7 nhà mạng. Việc xử lý mạnh tay này cho thấy quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước nhằm mang lại không gian an toàn cho việc cung cấp dịch vụ số phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số…
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đã góp phần làm giảm 90% sim có thông tin thuê bao không đúng quy định so với năm 2020. Tính từ tháng 7-2020 đến tháng 2-2022, các nhà mạng đã chặn 268.575 thuê bao phát tán cuộc gọi có dấu hiệu nghi vấn là cuộc gọi rác và phát hiện, ngăn chặn trên 87 triệu cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo giả mạo.
Tuy nhiên, năm 2021 vẫn còn 1,1 triệu sim có thông tin thuê bao không đúng quy định. Theo Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương, Vietnamobile có hơn 11.000 thuê bao nghi ngờ thông tin không chính xác, Viettel có gần 10.000 thuê bao, MobiFone hơn 10.000 thuê bao, VNPT 1.500 thuê bao.
Ngoài ra, vẫn còn tình trạng một số đại lý sử dụng thông tin thuê bao để kích hoạt sẵn. Cụ thể, MobiFone có hơn 4.000 giấy tờ cá nhân sở hữu 87.000 sim kích hoạt đăng ký tại 5 tỉnh; Viettel có hơn 3.000 giấy tờ cá nhân để kích hoạt cho khoảng 58.000 sim; Vietnamobile có 31 giấy tờ cá nhân để kích hoạt trước 20.000 sim…
Chính vì vậy, trong quý I-2022, 8 sở thông tin và truyền thông tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra đột xuất về quản lý thông tin thuê bao trên địa bàn. Trong đó, riêng thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện 10 thuê bao di động của Viettel, 6 thuê bao di động của VinaPhone có thông tin thuê bao không đúng, cơ quan quản lý đã xử phạt hành chính mỗi đơn vị 15 triệu đồng…
Về các biện pháp ngăn chặn sim rác, theo Cục Viễn thông, Cục đã có công văn gửi Cục An toàn thông tin để điều phối ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, cuộc gọi rác và đề nghị nhà mạng xử lý. Cùng với đó, trong việc quản lý thông tin thuê bao, Cục Viễn thông hoàn thiện sửa đổi nội dung về quản lý thông tin thuê bao tại dự thảo sửa đổi Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông...
Cũng theo Chánh Thanh tra Bùi Hoàng Phương, hiện còn tồn tại một số vấn đề trong quản lý thuê bao trả trước. Đó là: Thông tin không chính xác; sử dụng thông tin cá nhân người khác đăng ký kích hoạt sẵn sim di động; đại lý sử dụng sim di động đăng ký lượng lớn không đúng quy định; sử dụng sim di động kích hoạt sẵn không đúng quy định pháp luật. Vì vậy, việc kiểm tra chấp hành quy định của pháp luật về quản lý thuê bao di động trước hết nhằm hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật; chấn chỉnh, uốn nắn, xử lý những sai sót, khuyết điểm của doanh nghiệp viễn thông, từ đó đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh tuân thủ quy định pháp luật...
Với thực tế trên, lãnh đạo các nhà mạng Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone đều cam kết thực hiện các biện pháp về quản lý thông tin thuê bao. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone Thiềm Công Nguyên khẳng định, MobiFone quán triệt các đơn vị chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật, đồng thời thực hiện kiểm tra chéo trong nội bộ…
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, tình trạng lợi dụng sơ hở của thông tin thuê bao, lừa đảo vi phạm pháp luật vẫn là vấn đề nhức nhối, do vậy, việc có các giải pháp ngăn chặn những vấn đề trên là hợp lý. Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn, các doanh nghiệp viễn thông nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc quản lý thông tin thuê bao di động, kiểm soát hiệu quả việc đăng ký thông tin thuê bao để xử lý tận gốc vấn đề này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.