Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ly nông, không ly hương

Bắc Vũ| 23/08/2022 07:24

(HNM) - Thị trường lao động Việt Nam đã có những bước tiến cả về chiều rộng và chiều sâu, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, nhìn một cách toàn diện, thị trường lao động đang có nhiều vấn đề đặt ra, trong đó nổi lên là việc dịch chuyển lao động giữa các vùng miền, giữa nông thôn và đô thị.

Hiện tại, lực lượng lao động vẫn phân bổ đông nhất ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là các khu vực tập trung nhiều thành phố lớn, khu đô thị và nhiều khu công nghiệp, thuận lợi cho việc sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm việc làm. Còn lại, những khu vực ít lao động hoặc chưa thu hút, thậm chí thâm hụt lao động, là những nơi có diện tích đất hẹp, nhiều đồi núi, ít khu đô thị và khu công nghiệp.

Việc quá nhiều lao động nhập cư về các trung tâm lớn gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho cơ quan quản lý và bản thân người lao động. Hiện, phần lớn lao động di cư chỉ đăng ký tạm trú, không có hộ khẩu, gặp khó khăn về nhà ở, học tập, chữa bệnh... Trình độ học vấn không cao và phần đông chưa qua đào tạo nghề, nên họ khó tìm được những công việc ổn định, có thu nhập cao. Một số khu công nghiệp và khu chế xuất chưa quan tâm đến các dịch vụ như ký túc xá, nhà trẻ, nhà văn hóa…, khiến lao động di cư ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.

Thực tế trên dẫn tới hệ quả là nguồn cung lao động không có khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các vùng và ở mỗi địa phương, thậm chí, gây bất ổn cho thị trường lao động.

Trăn trở về vấn đề này, trong phát biểu tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 20-8 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặt ra vấn đề: “Vì sao người dân một số địa phương phải xa gia đình, con nhỏ, bố mẹ già, thậm chí bỏ đất đai, ruộng vườn để đi làm ở nơi khác?”.

Giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần quan tâm tới vấn đề dịch chuyển lao động, việc làm theo địa lý, bảo đảm có cơ cấu phân bổ lao động, việc làm hợp lý trên toàn quốc; có cơ chế khuyến khích dịch chuyển lao động, hỗ trợ các địa bàn còn yếu kém; đẩy mạnh liên kết thị trường việc làm giữa các vùng trong nước, hình thành cơ chế kết nối cung cầu tự động giữa thị trường lao động trong và ngoài nước; triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động ở khu công nghiệp và các thành phố lớn.

Một nội dung nữa mà cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần đặc biệt quan tâm là tạo việc làm tại chỗ để người dân có thể lao động ở quê hương với mức thu nhập ổn định. Dựa vào thế mạnh của từng địa phương, vùng miền, đó có thể là phát triển, mở rộng làng nghề, làng nghề truyền thống; các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn kết hợp với doanh nghiệp; quy hoạch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp…

Với các cơ quan chức năng và địa phương, bên cạnh làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, kết nối cung - cầu lao động, cần chú trọng xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng, đa lĩnh vực theo ngành nghề, có các cấp trình độ khác nhau để cung cấp cho người lao động, người sử dụng lao động.

Giải được bài toán “ly nông mà không ly hương” sẽ giúp cuộc sống người lao động ổn định ngay trên mảnh đất quê hương và tránh được những hệ lụy không đáng có nơi “đất khách quê người”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ly nông, không ly hương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.