Nằm ở hạ lưu sông Trà Khúc thuộc địa phận xã Tịnh Khê (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 15km, có một rừng dừa nước được hình thành từ lâu. Người dân quen gọi là “rừng dừa nước Tịnh Khê”. Du khách đến đây không chỉ được hòa mình với thiên nhiên mà còn được nghe về quá khứ chống giặc hào hùng của người dân và những cây dừa nước.
Lắng nghe thanh âm lịch sử
Từ những năm 1930, rừng dừa nước Tịnh Khê là điểm liên lạc của những chiến sĩ cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây trở thành một địa điểm trú ẩn của lực lượng cách mạng khi chống lại các cuộc càn quét, đánh phá của địch vào xã Tịnh Khê và khu vực xung quanh. Những năm chiến tranh ác liệt, rừng dừa nước được xem là căn cứ địa của Đảng bộ, du kích xã Tịnh Khê và một số đơn vị bộ đội, đội công tác ở các khu vực lân cận như Tịnh An, Tịnh Long, Tư Nghĩa...
Những năm 1969 - 1971, cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn khó khăn, căng thẳng. Phần lớn các xã vùng giải phóng Đông Sơn bị địch chiếm đóng, lập hàng trăm chốt điểm và khu đồn, nhưng nhờ có rừng dừa nước che chở, du kích Tịnh Khê vẫn giữ được xóm Bãi với hơn 500 dân bám trụ với ý chí “một tấc không đi, một ly không rời”, đánh bại các cuộc càn quét của địch.
Gắn với rừng dừa nước là những trận thắng oai hùng của quân dân xã Tịnh Khê. Đơn cử như năm 1969, đế quốc Mỹ thực hiện âm mưu “bình địa cấp tốc”. Chúng đã cho lính lùng sục khắp các làng xóm của xã Tịnh Khê. Nhưng ngay từ đầu chúng đã bị Tiểu đoàn 48 và du kích Tịnh Khê ẩn nấp trong rừng dừa nước đánh úp, tiêu diệt hơn 100 tên địch, bắn cháy một xe M113.
Không chỉ là không gian kháng chiến, mà rừng dừa nước Tịnh Khê còn là nơi lưu dấu tấm bia “Huệ dưỡng viên” - gắn liền với danh thần Trương Đăng Quế (1793 - 1865), vị quan đã giữ trọng trách lớn qua 4 triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Khi ông cáo lão hồi hương về vùng đất này đã được vua Tự Đức ban cho vườn tược, nhà cửa để an dưỡng.
Một địa chỉ du lịch cộng đồng
Kháng chiến qua đi, rừng dừa lại hiền hòa như thuở ban đầu. Trước đây, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt cá, tôm, mò cua bắt ốc hoặc hái lá dừa đan thành tấm để bán. Khi du lịch phát triển, họ đã tận dụng những tiềm năng của rừng dừa nước để phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
Ông Phạm Văn Hiền (63 tuổi) ở thôn Trường Định, xã Tịnh Khê - một “hướng dẫn viên chân đất” chia sẻ: “Nhà tôi có 4 sào dừa nước, tôm cá cứ sinh sôi nên gia đình tôi cũng như nhiều người dân ở đây không lo thiếu ăn, còn có thể hái lá dừa về chằm thành tấm để bán. Từ khi có chủ trương phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông nghiệp của chính quyền địa phương, bà con trong thôn rất phấn khởi vì có thêm nguồn thu nhập, nhờ đó đời sống của người dân cũng được cải thiện”.
Mùa hè là thời gian lý tưởng để du khách đến với rừng dừa nước Tịnh Khê. Tại đây, du khách được hòa mình vào không khí mát lành dưới những hàng dừa xanh rì rào soi bóng xuống dòng sông trong vắt. Người dân chèo ghe đưa khách du lịch men theo những gốc dừa để lần theo lịch sử và cảm nhận vẻ đẹp của không gian xanh yên bình. Du khách cũng có thể trải nghiệm chèo thuyền, thả lưới bắt cá... Ngồi trên chiếc thuyền trôi xuôi theo dòng nước, dưới những tàu lá dừa, du khách có cảm giác như đang lạc giữa miền sông nước hữu tình.
Với những người đam mê chụp ảnh thì đây là địa điểm lý tưởng. Du khách có thể lưu lại những hình ảnh nên thơ, trữ tình của rừng dừa, bắt những khoảnh khắc quăng lưới, kéo vó, thu hoạch lá dừa... của người dân Tịnh Khê. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Vương Quốc (thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ: “Khi đến rừng dừa nước Tịnh Khê, tôi thấy như đang lạc giữa miền Tây Nam Bộ ngay giữa lòng thành phố Quảng Ngãi. Đây là một nơi có thể tận dụng để phát triển du lịch, đồng thời cũng là địa điểm check-in phù hợp cho các bạn trẻ”.
Từ rừng dừa Tịnh Khê, du khách có thể thuận đường đi thăm những địa điểm khác như biển Mỹ Khê, chùa Thiên Ấn, khu chứng tích Sơn Mỹ, đền thờ Trương Định, cầu Cổ Lũy và đặc biệt là chùa Minh Đức - ngôi chùa tọa lạc trên núi Thiên Mã, có tượng Quan Âm cao 150m đang trở thành điểm nhấn mới của du lịch Quảng Ngãi.
Với những thế mạnh đó, khách du lịch đến tham quan rừng dừa nước Tịnh Khê mỗi ngày một đông, có những ngày trên 200 lượt khách. Anh Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê, cho biết: “Hợp tác xã đã tập huấn cho người dân cách làm du lịch và cùng họ khôi phục một số nghề truyền thống từ nguồn nguyên liệu lấy từ cây dừa, cây cói và nguồn lợi thủy sản sinh tồn. Hợp tác xã đã thiết kế 10 homestay tại khu vực rừng dừa nước làm nơi lưu trú cho du khách, xây các tuyến đường nội bộ dẫn vào rừng dừa để khách đi bộ. Việc phát triển du lịch tại đây nhằm góp phần nâng cao giá trị cho rừng dừa nước cũng như giúp người dân ý thức trong việc quản lý, bảo tồn, phục hồi và phát triển rừng dừa, đồng thời phát huy giá trị lịch sử văn hóa của nó vào đời sống xã hội”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.