(HNM) - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện chấn chỉnh công tác quản lý biên chế, tiền lương cán bộ, công chức; đặc biệt là việc tổ chức rà soát kế hoạch biên chế để đăng ký tuyển dụng bổ sung số công chức còn thiếu so với chỉ tiêu được giao, tránh sử dụng lao động hợp đồng thay cho công chức. Với những trường hợp chi trả sai quy định, lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị phải thu hồi về ngân sách nhà nước.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, Sở Nội vụ Hà Nội đã tổ chức kiểm tra công tác quản lý biên chế, tiền lương cán bộ, công chức và phát hiện nhiều đơn vị không hoàn thành kế hoạch biên chế được giao. Cụ thể là số lượng cán bộ, công chức hiện có thấp hơn chỉ tiêu nhưng lại sử dụng lao động hợp đồng tạm thời thay cho số công chức còn thiếu. Một số đơn vị dù thiếu công chức so với chỉ tiêu biên chế được giao nhưng không đăng ký tuyển dụng. Lại có những lao động hợp đồng tạm thời không nộp hồ sơ đăng ký tuyển dụng hoặc dự tuyển nhưng không trúng tuyển, song vẫn được làm việc theo hợp đồng lao động. Nhiều đơn vị sử dụng số lượng lao động hợp đồng vượt quá chỉ tiêu được giao, một số đơn vị sử dụng lao động không đúng với hình thức hợp đồng lao động. Một số trường hợp trả lương theo bằng cấp tương đương ngạch, bậc công chức hoặc thỏa thuận không theo mức quy định. Đặc biệt trong đó việc ký kết hợp đồng lao động tại nhiều đơn vị rất tùy tiện, không đúng thẩm quyền…
Tóm lại là còn tồn tại sai sót, bất cập. Vậy phải chăng công tác tuyển dụng, quản lý biên chế, tiền lương cán bộ, công chức ở các sở, ngành, quận, huyện hiện nay còn yếu? Chắc chắn điều đó chỉ đúng một phần. Vấn đề ở đây là, tại một số đơn vị, những cán bộ chịu trách nhiệm về công tác này đều biết rất rõ làm thế nào là chuẩn, là đúng với quy định của pháp luật, song họ không thực hiện theo chuẩn mực đó. Chỉ có như thế mới có thể bố trí công ăn việc làm cho những trường hợp thân quen, những đối tượng thuộc dạng không thể tuyển dụng vào cơ quan nhà nước bằng "cửa trước" và chỉ có như vậy mới có thể tư lợi dưới dạng này hay dạng khác từ vị trí công việc được giao.
Từ trước tới nay, như kết quả của nhiều cuộc khảo sát, đánh giá thực trạng thì mức lương cán bộ, công chức, viên chức của chúng ta là thấp, chưa bảo đảm mức sống tối thiểu. Thế nhưng lại xuất hiện một nghịch lý là dù vậy người ta vẫn phải chạy chọt hoặc lợi dụng các mối quan hệ để cậy nhờ có được một chỗ đứng trong các cơ quan nhà nước. Do đó, rõ ràng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức hiện nay không sống bằng đồng lương từ ngân sách. Họ cũng không thể sống bằng "nước lã" và "không khí" nên việc xảy ra sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng khi thực thi công vụ cũng là điều dễ hiểu…
Câu chuyện trên phần nào cho thấy tại sao người tài hiện nay lại khó được tuyển dụng trong khi năng lực, trình độ chuyên môn và cả phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức là có vấn đề. Mặt khác, đây cũng chính là nguyên nhân sâu xa khiến việc cải cách hành chính, công khai minh bạch mọi thủ tục tại các cơ quan công quyền diễn ra rất chậm chạp.
Vậy nên, cùng với việc các sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn Hà Nội phải nghiêm túc thực hiện yêu cầu của lãnh đạo thành phố thì chúng ta cần nhanh chóng cải cách chế độ tiền lương, công khai minh bạch thủ tục hành chính. Có như vậy mới triệt tiêu được những yếu tố có khả năng phát sinh những việc làm trái với quy định của pháp luật; đồng thời góp phần xây dựng đội ngũ công bộc của nhân dân hội tụ đủ năng lực và phẩm chất đạo đức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.