(HNM) - Vừa qua, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng chuyên ngành khoa học - công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký bản ghi nhớ Chuyển giao công nghệ và đầu tư nhà máy xử lý rác thải nông nghiệp có giá trị tới 100 triệu USD cho một số đối tác.
Việc tiếp nhận và đưa công nghệ carbolosic của Dự án vào Việt Nam hứa hẹn đem lại những lợi ích to lớn từ chính nguồn rác thải sinh học vẫn bị bỏ phí từ trước tới nay.
“Siêu công nghệ” xử lý rác thải nông nghiệp tạo ra sản phẩm có giá trị sắp được chuyển giao tại Việt Nam. |
Thân thiện môi trường, chi phí thấp
Việc tận dụng các phụ phẩm, phế phẩm từ nông nghiệp luôn là mối quan tâm của các nhà sản xuất, nhà khoa học cũng như ngành Nông nghiệp nói chung. Đã có không ít công nghệ tham gia vào việc xử lý vấn đề trên. Tuy nhiên, những giải pháp, công nghệ này còn có nhiều nhược điểm. Ở Việt Nam, sau mỗi mùa thu hoạch, phế phẩm nông nghiệp thường được đem chôn lấp theo kiểu xử lý vi sinh hoặc đem đốt… Các phương pháp này không mang lại hiệu quả cao mà còn gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất. Trong khi đó, công nghệ carbolosic, được phát triển bởi các nhà khoa học ở Đại học Central Florida (Mỹ), có thể giải quyết được một cách cơ bản những vấn đề trên.
Nhà sáng chế Walsh Joseph John, đồng tác giả công nghệ cho biết, công nghệ carbolosic về bản chất là dùng phương pháp thủy phân cellulose các rác thải sinh học trong nông nghiệp như bã mía, rơm rạ, cỏ, lõi ngô… để sản xuất ra một số nhóm sản phẩm chủ lực như xăng, điện, đường, ethanol, phân vi sinh, hay than hoạt tính. Tùy nhu cầu về sản phẩm đầu ra là gì, dây chuyền công nghệ có thể thay đổi các module để sản xuất ra hàng trăm loại sản phẩm khác nhau. Bên cạnh đó, với việc thiết kế tách rời từng module, hệ thống xử lý có thể được di chuyển tới các vùng nguyên liệu nông nghiệp đang thu hoạch để xử lý tại chỗ, giảm thiểu được nhiều chi phí.
Trên thực thế, công nghệ thủy phân cellulose không phải là mới, đã ra đời gần 20 năm nay với các phương pháp sử dụng hóa chất và dung môi, tuy nhiên đòi hỏi chi phí rất lớn. Còn cách thức thủy phân của công nghệ carbolosic, đã được cấp bản quyền công nghệ cho các nhà khoa học ĐH Central Florida hoàn toàn mới với công nghệ lõi là thiết bị thủy phân sử dụng máy có nhiều vòng bi, chạy ở các tốc độ khác nhau, bẻ gãy các liên kết hóa học, tạo ra một chất gần như dạng đường. Đây chính là quá trình then chốt “tạo cellulose thành đường” - CTS, với những ưu điểm vượt trội là thân thiện với môi trường, chi phí thấp. Nhiên liệu sinh học dùng cho hàng không có thể được sản xuất từ sinh khối cellulose thông qua việc tách đường, lên men, tách nước và oligomer hóa. Các nhà khoa học của ĐH Central Florida đã đề xuất kết hợp quá trình CTS với quá trình lên men và xử lý hóa học để thu được loại nhiên liệu sinh học này.
Chủ động nhờ độc quyền công nghệ
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Chủ tịch, Tổng Giám đốc IMG Innovation, một trong các đối tác tiếp nhận chuyển giao công nghệ carbolosic, các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm tới công nghệ này là bởi nó đặc biệt phù hợp với một nước nông nghiệp như Việt Nam khi tận dụng được hầu như tất cả phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp. Các nguyên liệu như bèo lục bình hay các tầng mùn lá cây (một trong các tác nhân gây cháy rừng) cũng là những nguyên liệu đầu vào phù hợp. Công nghệ được nhà đầu tư tiếp cận, lựa chọn bởi đã đáp ứng được lời giải cho bài toán kinh doanh, đó là tạo ra những sản phẩm có giá trị. Ưu điểm vượt trội của công nghệ carbolosic so với các công nghệ khác chính là tính hiệu quả kinh tế: Chi phí để xử lý 1kg rác thải sinh học thành đường chỉ là 0,5 cent, tương đương trên 100 đồng. Bên cạnh đó, công nghệ carbolosic mang tính linh động cao. Với việc điều chỉnh số vòng quay, tốc độ quay của thiết bị, các sản phẩm khác nhau có thể được tạo ra. Ví dụ để sản phẩm đường từ quá trình CTS trở thành ethanol thì sẽ thêm một bước làm đứt gãy liên kết hóa học. Như vậy, tùy thuộc vào thị trường mà nhà sản xuất có thể thay đổi sản phẩm cho phù hợp.
Liên quan tới quá trình chuyển giao công nghệ, bà Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, khi tiếp cận công nghệ nguồn, các nhà đầu tư đã đặt vấn đề hợp tác theo phương thức mua độc quyền công nghệ carbolosic và để nguyên cổ phần cho các nhà khoa học Mỹ. Phương thức mua độc quyền này giúp các nhà đầu tư thực sự làm chủ công nghệ, chủ động về mặt kỹ thuật. Việc xử lý thông tin liên quan tới công nghệ cũng chuẩn xác, hiệu quả hơn. Hơn nữa, các nhà đầu tư có cơ hội hợp tác chặt chẽ với chính những người làm ra công nghệ, đưa các nhà khoa học vào các dự án kinh doanh. Với việc sở hữu bản quyền công nghệ, các nhà đầu tư cũng có thể chuyển giao công nghệ này cho các đối tác khác.
Sự thành công của một dự án khoa học - công nghệ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, tính khả thi về mặt khoa học là vô cùng quan trọng. Vì vậy, quá trình chuyển giao công nghệ của Dự án Carbolosic đánh dấu sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả lẫn nhau giữa nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước. Đại diện các nhà đầu tư cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ bên tiếp nhận công nghệ trong việc nghiên cứu, làm việc với các nhà khoa học, tổ chức các chương trình trao đổi, lấy ý kiến về tính khả thi của dự án. Nhờ đó, các nhà đầu tư có cơ sở để tin tưởng và bắt tay vào xúc tiến hợp tác, chuyển giao công nghệ.
Hiện các nhà đầu tư vẫn đang nghiên cứu, xem xét để quyết định địa điểm đặt dự án, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của chính quyền các địa phương trong việc xác định những vùng nguyên liệu phù hợp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.