(HNM) - Một tin vui vừa được UBND quận Hoàn Kiếm đưa ra: Dự án xây dựng khu giãn dân phố cổ tại Khu đô thị Việt Hưng dự kiến sẽ được khởi công vào quý IV năm 2014 và hoàn thành năm 2016, với 16 tòa nhà 9 tầng, 1 tòa nhà hỗn hợp 15 tầng bao gồm trung tâm thương mại dịch vụ, chung cư và công trình công cộng như nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế, không gian sinh hoạt cộng đồng…
Thiết nghĩ không cần phải nói nhiều về giá trị văn hóa lịch sử của khu phố cổ Hà Nội, đã được tôn vinh là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Có một thực tế là từ nhiều năm qua, không gian phố cổ đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với đông đảo du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Hà Nội, bởi nơi đây lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng quý giá, đặc sắc của đất kinh kỳ văn hiến. Tuy nhiên, phía sau mặt tiền phố cổ cũng còn rất nhiều điều đáng nói…
Thế nên, việc cơ quan chức năng thông báo sắp khởi công dự án giãn dân phố cổ là một thông tin hết sức đáng mừng, nhất là với hàng nghìn hộ dân sinh sống trong khu vực "ba sáu phố phường". Bởi lẽ, với những hộ này, không gian sống hiện đang là nỗi bức xúc thường trực. Có những gia đình diện tích sử dụng chỉ chưa đầy… 1m2/người. Không ít hộ với 2-3 thế hệ "cộng sinh" nhưng diện tích sử dụng chỉ vừa đủ kê 2 chiếc giường. Đáng kể là có những số nhà tổng diện tích mặt bằng chỉ vài trăm mét vuông nhưng có tới bốn, năm chục hộ, với hàng trăm nhân khẩu sinh sống. Sự hào nhoáng, sầm uất bên ngoài mặt tiền phố cổ không thể khỏa lấp sự chật chội, nhếch nhác phía bên trong. Không những thế, nhiều thế hệ của rất nhiều hộ gia đình còn coi vỉa hè phố cổ là không gian sống, là "chiếc cần câu cơm", với phương châm sống đã hình thành từ bao đời: "Giàu nhà quê không bằng ngồi lê Kẻ Chợ". Nếp sống, nếp nghĩ ấy không những gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc giữ gìn trật tự giao thông cũng như nếp sống văn minh đô thị, mà còn là một nguyên nhân quan trọng khiến chủ trương giãn dân nhằm giảm mật độ dân cư, tiến tới chỉnh trang, bảo tồn khu phố cổ mặc dù đã có từ nhiều năm trước nhưng đến gần đây vẫn "nằm trên giấy".
Cuối cùng thì sau nhiều năm chờ đợi và kỳ vọng, giờ thì mặt bằng đã có, thời điểm khởi công đã được ấn định, thời điểm về nhà mới cho hơn 1.500 hộ dân cũng được dự kiến... Và theo kế hoạch, sau năm 2016, hơn 5.000 hộ dân nữa sẽ tiếp tục được di dời. Đây có thể được xem như là cuộc di dân, tái định cư lớn nhất của Hà Nội trong vài thập kỷ qua nhằm đem lại một diện mạo mới cho Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Mặc dù vậy, vẫn còn không ít hộ dân phố cổ tỏ ý băn khoăn, không muốn di dời đi nơi khác. Lý do thì như trên đã nói, phố cổ không chỉ gắn bó mật thiết với bao thế hệ gia đình họ mà còn là chốn mưu sinh. Ấy là chưa kể những nghi ngại về cuộc sống "hậu" tái định cư… Bởi vậy, để dự án giãn dân phố cổ đạt hiệu quả, thành công thì bên cạnh quyết tâm lớn của các cấp ngành, thành phố còn một yếu tố quan trọng không thể thiếu, đó là sự đồng thuận của người dân. Cùng với việc tăng cường tuyên truyền, vận động người dân phố cổ thấy rõ được quyền lợi của mình, đồng thời qua đó thể hiện trách nhiệm và tình yêu với Thủ đô, các cơ quan chức năng phải có chính sách tái định cư phù hợp, tạo được niềm tin trong nhân dân, bảo đảm người dân có cuộc sống ở nơi ở mới ổn định, tốt hơn nơi ở cũ. Có như vậy thì bài toán giãn dân nói riêng cũng như công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử khu phố cổ nói chung mới được giải quyết thấu đáo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.