Góc nhìn

Cơ hội vàng từ thị trường carbon

Bắc Vũ 06/12/2024 - 06:29

Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), diễn ra đầu tháng 11 vừa qua, đã chính thức thông qua thỏa thuận có thể cho phép thị trường carbon toàn cầu do Liên hợp quốc hậu thuẫn, vốn được hình thành trong nhiều năm qua, bắt đầu hoạt động ngay trong năm tới.

Cụ thể, cơ chế thị trường carbon toàn cầu được thiết lập theo Điều 6.4 của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP21, tháng 12-2015), cho phép các quốc gia và doanh nghiệp trao đổi kết quả giảm phát thải khí nhà kính của mình và nhận tín chỉ carbon có thể giao dịch trên thị trường quốc tế. Các tín chỉ này không chỉ giúp các quốc gia đạt được mục tiêu giảm phát thải đã cam kết trong đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDCs) mà còn thúc đẩy hành động khí hậu trên phạm vi toàn cầu.

Có thể khẳng định, đây là tin vui đối với Việt Nam bởi nước ta có tiềm năng lớn để tham gia vào thị trường tín chỉ carbon của toàn cầu. Và thực tế, Việt Nam là một trong những quốc gia phê duyệt sớm (tháng 11-2016) Thỏa thuận Paris sau khi được Liên hợp quốc thông qua.

Tín chỉ carbon về lý thuyết cho phép các quốc gia hoặc doanh nghiệp bù đắp lượng khí thải CO2 của mình thông qua việc đầu tư vào các dự án giảm phát thải hoặc loại bỏ khí nhà kính như trồng cây, phân phối bếp xanh cho cộng đồng, loại bỏ khí mê tan tại bãi chôn lấp chất thải…

Theo hướng này, Việt Nam đã, đang tham gia tích cực vào thị trường tín chỉ carbon toàn cầu. Kết quả đáng ghi nhận bước đầu là năm 2023, trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tấn carbon rừng thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng).
Điều đáng quan tâm là hiện nay, việc tạo ra tín chỉ carbon từ rừng và canh tác nông nghiệp ở nước ta còn tiềm năng rất lớn. Cụ thể là diện tích rừng thương mại dịch vụ giảm phát thải đăng ký của nước ta hiện là 4,26 triệu hécta. Và theo tính toán sơ bộ, Việt Nam còn khoảng 5,91 triệu tấn carbon. Trong số này, WB đã đồng ý mua bổ sung 1 triệu tấn; lượng còn lại 4,91 triệu tấn, cơ quan chức năng đang xem xét quyết định. Ngoài ra, nước ta đang thực hiện dự án quy mô lớn liên quan đến lĩnh vực tiềm năng này là Đề án phát triển bền vững 1 triệu hécta lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Cơ hội là rất lớn, song thị trường tín chỉ carbon là vấn đề mới và nước ta hiện chưa có cơ chế vận hành chính thức. Thực tế theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7-1-2022 của Chính phủ, quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, thị trường tín chỉ carbon dự kiến đến năm 2028 mới được thiết lập. Trước thực tế này và đòi hỏi tận dụng cơ hội đang rộng mở, các cơ quan chức năng cần xem xét thấu đáo, thận trọng và có thể tính đến triển khai thí điểm và mở rộng hơn nữa việc xuất bán tín chỉ carbon ra thị trường quốc tế theo quy định hiện hành. Đây có thể hiểu là “thị trường tự nguyện”, việc phát hành, mua và bán tín chỉ carbon trên cơ sở tự nguyện giữa các tổ chức, công ty hoặc giữa các quốc gia.
Tuy nhiên, về lâu dài, chúng ta phải hướng đến việc kết hợp giữa “thị trường tự nguyện” và “thị trường tuân thủ”. Một điểm thuận lợi là hiện nay, thị trường tín chỉ carbon tuân thủ đã được thông qua tại COP29 và bắt đầu hoạt động từ năm 2025. Đây là thị trường chính thức, có sự cam kết của các quốc gia trong Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu, nên giá trị một tín chỉ carbon chắc chắn sẽ cao hơn trên "thị trường tự nguyện".

Tiềm năng là rất lớn, vì vậy, song song với việc tạo ra tín chỉ carbon từ trồng rừng, canh tác nông nghiệp, việc tạo lập thị trường bền vững cho loại hình hàng hóa đặc biệt này cũng rất cấp bách, nếu không sẽ mất đi cơ hội “ngàn vàng”.

Và hơn thế, khi tín chỉ carbon của Việt Nam tăng lên trên thị trường, thì đồng nghĩa sẽ khuyến khích nông dân sản xuất xanh, sạch, nâng cao thu nhập và từng bước tiến tới phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội vàng từ thị trường carbon

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.