Bạn đọc

Giao đất giãn dân tại thị xã Sơn Tây: Vì sao ách tắc?Bài cuối: Cần có giải pháp đạt lý, thấu tình

Thiện Mỹ 29/12/2023 06:45

Việc xét duyệt giao đất giãn dân tại thị xã Sơn Tây đã từ 15-20 năm. Trải qua nhiều thời kỳ, quy định của Luật Đất đai thay đổi theo hướng ngày càng chặt chẽ, khiến việc hóa giải các tồn tại trong giao đất giãn dân cho người dân tại đây ngày càng khó khăn.

Nhưng đây là việc không thể không giải quyết và trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng. Người dân đang chờ một phương cách giải quyết cụ thể, đạt lý, thấu tình...

khu-dat.jpg
Khu đất giãn dân tại xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) đã được quy hoạch, nhưng chưa giao đất cho người dân.

Vướng mắc do quy định thay đổi

Thời điểm một số địa phương của thị xã Sơn Tây xét duyệt giao đất giãn dân tính đến nay đã hơn 20 năm (từ năm 1999) và quy định thời điểm đó về công tác giải phóng mặt bằng, giao đất ở cũng khác xa so với hiện nay. Mặt khác, do cách làm tùy tiện trong quản lý đất đai của một số địa phương và vì không khắc phục dứt điểm các vi phạm, nên hiện tại việc giao đất giãn dân vẫn lúng túng như “gà mắc tóc”.

Trước việc người dân liên tục có ý kiến giao đất trong suốt thời gian dài, năm 2017, UBND thị xã Sơn Tây thành lập đoàn kiểm tra việc giao đất giãn dân ở xã Cổ Đông. Ngày 11-4-2017, đoàn kiểm tra đã có văn bản báo cáo kết quả kiểm tra việc giải phóng mặt bằng và xét duyệt giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu Đồng Trương và khu Gò Giàng - Nương Củ (xã Cổ Đông). Báo cáo đã nêu rất nhiều tồn tại, thiếu sót cần khắc phục.

Sau báo cáo này, ngày 17-4-2017, UBND thị xã Sơn Tây ban hành Kế hoạch số 204/KH-UBND về triển khai thực hiện việc giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, xét duyệt giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu Đồng Trương, Gò Giàng - Nương Củ. Văn bản này đã chỉ đạo thực hiện 6 vấn đề, trong đó có nội dung: “Ban hành quyết định giao đất cho các hộ chưa có quyết định, tổ chức giao đất tại thực địa và tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ”.

Tuy nhiên, tính đến hiện tại, mới chỉ 1/6 nội dung được thực hiện xong, 5 nội dung còn lại chưa được thực hiện vì không có căn cứ triển khai do quy định pháp luật về đất đai đã thay đổi so với thời điểm các địa phương xét duyệt giao đất giãn dân.

Trước thực tế trên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Sơn Tây Nguyễn Trung Thành lý giải, có 2 vướng mắc cơ bản khiến việc giao đất giãn dân không chuyển động. Thứ nhất, đất giãn dân chưa được giải phóng mặt bằng hoàn toàn, chưa xây dựng hạ tầng kỹ thuật nên thị xã chưa ban hành quyết định giao đất. Thứ hai, theo Luật Đất đai 2013 thì giao đất phải thông qua đấu giá và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính tính bằng giá đất tại thời điểm quyết định giao đất. Tuy nhiên, do các hộ không thuộc trường hợp giao đất không thông qua đấu giá; người dân đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính từ những năm 2006-2007 nên đến nay họ không thể nộp thêm...

Bảo đảm quyền lợi cho người dân

Giải quyết những vướng mắc này, gần đây nhất, ngày 20-9-2023, UBND thị xã Sơn Tây đã có Văn bản số 549/BC-UBND gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, báo cáo kết quả giải quyết liên quan đến việc cấp đất giãn dân nêu trên.

Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng chưa đưa ra được định hướng cụ thể. Tại Văn bản số 9493/STNMT-QHKHSDĐ ngày 7-12-2023 trả lời Báo Hànộimới về nội dung này, Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định: “Đây là nội dung phức tạp, tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc từ những năm 1999-2006 đến nay; trải qua nhiều thời kỳ, liên quan đến cơ chế, chính sách quy định của Luật Đất đai năm 1993, 2003, 2013. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương rà soát, tổng hợp các nội dung có liên quan đến việc cấp đất giãn dân khu Đồng Trương và khu Gò Giàng - Nương Củ, thị xã Sơn Tây để báo cáo, đề xuất UBND thành phố bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định pháp luật”.

Nhìn nhận ở góc độ bảo đảm quyền lợi cho người dân, Thạc sĩ, Luật sư Hoàng Trọng Giáp - Công ty Luật TNHH Hoàng Sa (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) đề xuất, cần rà soát tổng thể để khẩn trương giao đất trên thực địa cho những trường hợp đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và không vướng mắc về mặt bằng. Những trường hợp khác cơ quan chức năng phải vào cuộc vì trách nhiệm này thuộc về các đơn vị chuyên môn. Liên quan đến việc UBND thị xã ban hành quyết định giao đất giãn dân, theo Luật Đất đai 2013 và Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT ngày 2-6-2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Mẫu số 02 - Quyết định giao đất, Điều 1 của văn bản này được hiểu là giá đất, tiền sử dụng đất phải nộp là tại thời điểm UBND thị xã Sơn Tây ban hành quyết định giao đất - nghĩa là thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, các hộ dân đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, vì thế mục này cần ghi rõ: Đã nộp đủ tiền sử dụng đất tại thời điểm được UBND thị xã Sơn Tây xét duyệt giao đất. Việc này cần được Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể.

Những vướng mắc nêu trên là vấn đề phức tạp, vì thế, rất cần sự vào cuộc trách nhiệm, nghiêm túc của các sở, ngành liên quan của thành phố Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giao đất giãn dân tại thị xã Sơn Tây: Vì sao ách tắc? Bài cuối: Cần có giải pháp đạt lý, thấu tình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.