Bạn đọc

Giao đất giãn dân tại thị xã Sơn Tây: Vì sao ách tắc?

Thiện Mỹ 28/12/2023 08:28

Thời điểm hiện tại, chính sách cấp đất giãn dân đã không còn nhưng những tồn tại liên quan đến việc thực hiện chính sách này tại thị xã Sơn Tây vẫn đang là vấn đề nhức nhối, khiến hàng trăm hộ dân chưa được bảo đảm quyền lợi.

Quy định pháp luật về đất đai thay đổi qua mỗi thời kỳ, càng để lâu, sự việc càng thêm phần phức tạp và khó gỡ. Đây là vấn đề bức thiết mà các cơ quan liên quan cần sớm giải quyết để tháo gỡ những ách tắc đeo bám suốt nhiều năm qua...

Bài đầu: Gần 20 năm “giậm chân tại chỗ”

Đất đã được chia lô, chia thửa, người dân cũng đã trải qua quy trình xét duyệt đủ điều kiện mới được xét giao đất giãn dân. Song, gần 20 năm đã trôi qua kể từ khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính, việc giao đất trên thực địa cho người dân ở thị xã Sơn Tây vẫn “giậm chân tại chỗ” do hàng loạt vướng mắc chưa có hướng giải quyết.

son-tay.jpg
Công chức địa chính xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) giới thiệu bản đồ chia các lô đất giãn dân của xã.

Mỏi mòn chờ đợi

Đại diện các hộ dân thôn Thống Nhất, xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) cho biết, năm 2006, xã Sơn Đông có chủ trương giao đất giãn dân. Sau khi thực hiện các thủ tục, xét duyệt theo tiêu chuẩn, có 243 cá nhân, hộ gia đình đã được xét giao đất. Căn cứ giá đất tại thời điểm đó, các hộ gia đình đã nộp tiền sử dụng đất và thuế trước bạ, có biên lai, hóa đơn tài chính đúng quy định. Theo sơ đồ chia lô, các hộ được UBND xã Sơn Đông tổ chức "gắp" số lô, số thửa, với diện tích 144m2/lô và 192m2/lô. Tùy vị trí, các hộ gia đình phải nộp từ 16 triệu đồng đến 32 triệu đồng/lô đất.

“Thời điểm đó, đây là số tiền lớn. Nhiều hộ phải vay mượn mới đủ tiền nộp. Vậy nhưng, đã hơn 16 năm trôi qua, người dân vẫn chưa được giao đất. Có người chết rồi vẫn chưa thấy đất đâu... Nhiều hộ bí bách về chỗ ở mà không có đất để xây nhà. Nỗi bức xúc này ai tỏ cho người dân”, ông Đỗ Văn Nhuận (ở thôn Thống Nhất) bức xúc nói.

Xác nhận thực tế trên, Trưởng thôn Thống Nhất Phùng Văn Hán chia sẻ: "Không được giao đất, các hộ dân rất thiệt thòi, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của họ. Không ít gia đình, nhiều thế hệ cùng chung sống trong một mái nhà, rất chật chội, bí bách… Trong rất nhiều cuộc họp và tiếp xúc cử tri, người dân liên tục có ý kiến nhưng chưa cấp nào trả lời rõ ràng. Đề nghị cơ quan chức năng giải quyết thấu đáo, không để người dân phải mỏi mòn chờ đợi thêm".

Trong khi đó, tại xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây), năm 2002, có 21 hộ thôn Trung Lạc, thôn Ngõ Bắc được xét giao đất giãn dân tại khu Đồng Trương, nhưng chỉ 10 trường hợp được giao đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Số còn lại dù đã nộp đủ tiền sử dụng đất, nhưng do địa phương chưa giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc về giải phóng mặt bằng đất giãn dân nên chưa được cấp đất tại thực địa.

Trong khi việc giao đất giãn dân nêu trên chưa xong thì khoảng năm 2006, xã Cổ Đông lại tiếp tục triển khai việc cấp đất giãn dân ở khu Gò Giàng - Nương Củ cho 41 hộ. Trong số này, 40/41 hộ đã nộp tiền sử dụng đất nhưng chưa được giao đất tại thực địa dù UBND thị xã đã ban hành 38 quyết định giao đất ở cho các hộ dân. Trong nhiều lý do chưa giao được đất, nổi lên là vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp để làm đất giãn dân, xét duyệt chưa đúng đối tượng...

Tương tự, tại xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), hiện cũng còn 3 hộ được xét duyệt giao đất giãn dân, dù đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng chưa được giao đất trên thực địa.

Vẫn "nằm trên giấy"

Lật giở bản đồ quy hoạch khu đất giãn dân năm 2006 tại khu Yên Chỉ, công chức địa chính xã Sơn Đông Phùng Văn Thiện cho biết, thời điểm xét duyệt đất giãn dân, các hộ phải bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn nhất định. Trên bản đồ chia đất giãn dân, các lô đất cũng đã được quy hoạch, địa phương đã tổ chức cho người được giao đất "gắp" số lô, số thửa. Tuy nhiên, về mặt bằng đất giãn dân, do vẫn còn 9 thửa đất nông nghiệp của 9 hộ chưa được giải phóng mặt bằng nên chưa giao được đất trên thực địa cho người dân.

Để bảo đảm quyền lợi người dân, trước đây, địa phương đã họp bàn nhiều lần và xét thấy 185 lô/243 lô không bị vướng mặt bằng, có thể giao cho người dân. Tuy nhiên, do mắc nhiều thủ tục, quy định qua các thời kỳ nên đến nay vẫn chưa thực hiện được... “Chúng tôi mong mỏi việc này sớm được giải quyết dứt điểm để không tạo thành những điểm “nóng”, gây bức xúc ở địa phương”, ông Phùng Văn Thiện chia sẻ.

Còn tại xã Cổ Đông, Chủ tịch UBND xã Khuất Văn Xuyên thông tin, những năm qua, người dân liên tục có ý kiến, đề nghị các cấp giao cấp đất vì các hộ đã hoàn thành mọi nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Tuy nhiên, do nhiều tồn tại liên quan đến giải phóng mặt bằng diện tích đất giãn dân, một số vi phạm về trật tự xây dựng trên đất quy hoạch đất giãn dân... chưa được khắc phục nên dù đã có kết luận của cơ quan chức năng, song việc giao đất vẫn... nằm trên giấy. “Hiện nay, việc giao đất không thuộc thẩm quyền của địa phương. Xã mong muốn cơ quan chức năng tháo gỡ để người dân được sớm giao đất”, ông Khuất Văn Xuyên đề xuất.

Thực tế nêu trên cho thấy, đây là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân, rất cần thị xã Sơn Tây tập trung cao độ để giải quyết. Song, có những nội dung đã vượt thẩm quyền, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể mới mong hóa giải được vấn đề.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giao đất giãn dân tại thị xã Sơn Tây: Vì sao ách tắc?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.