(HNM) - Kinh nghiệm tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, khi chính quyền quyết tâm thực hiện cải cách thủ tục hành chính thì người dân sẽ thay đổi cách thức tiếp cận hệ thống dịch vụ công.
TP Hồ Chí Minh đang triển khai mạnh mẽ cải cách hành chính nhằm phục vụ người dân một cách tốt nhất. |
Cách làm "cầm tay chỉ việc"
Tại quận 5, ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, phương pháp đánh giá về mức độ hài lòng của người dân vẫn được thực hiện chủ yếu bằng cách lấy ý kiến của người dân sau khi hoàn thành thủ tục hành chính (TTHC) ở bộ phận tiếp nhận - trả hồ sơ. Với cách này, kết quả về mức độ hài lòng của người dân đạt trên 95%.
Tuy nhiên, khi lấy ngẫu nhiên ý kiến thông qua gọi điện bằng số điện thoại mà người dân để lại thì mức độ hài lòng chỉ đạt khoảng 90%. Đại diện lãnh đạo quận 5 cho biết, cách lấy ý kiến người dân tại nơi giải quyết TTHC mang tính khách quan không cao. Do đó, tuy tỷ lệ mức độ hài lòng đạt cao nhưng chưa phải là con số chính xác.
Còn tại quận 7, tiếp công dân và tiếp nhận - trả hồ sơ là hai bộ phận khác nhau. Vì vậy, khi người dân cảm thấy không hài lòng ở bộ phận tiếp nhận - trả hồ sơ sau đó đến bộ phận tiếp công dân để phản ánh thì sự tương tác còn chậm, nên ý kiến người dân chưa được tiếp thu, xử lý thấu đáo.
Thực tế cho thấy, nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn "tự bơi" trong thực hiện cải cách TTHC. Đại diện quận 4 cho biết, đa phần người dân còn tâm lý cầm hồ sơ trực tiếp đến cơ quan công quyền thay vì nộp hồ sơ qua mạng thông qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Chính vì vậy, lãnh đạo quận phải cử cán bộ trực tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ để hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến thông qua 3 thiết bị là smartphone, máy tính bảng và máy vi tính.
Nhờ cách làm "cầm tay chỉ việc" này mà số lượng hồ sơ giải quyết trực tuyến tăng lên. Ở Bình Chánh - chưa đầu tư được hệ thống phần mềm dịch vụ công trực tuyến - đại diện huyện cho biết, có mời một đơn vị tư vấn để đầu tư hệ thống phần mềm nhưng phía tư vấn đề xuất giá quá cao nên chưa thực hiện được.
Ông Huỳnh Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh cho biết, trong hai năm rưỡi qua, thành phố đã rà soát hầu hết TTHC, đánh giá thực tiễn vận hành và đã đề nghị đơn giản hóa nhiều TTHC rườm rà, không cần thiết. Tuy nhiên, TTHC ở nhiều lĩnh vực còn chồng chéo, phức tạp và luôn biến động. Số lượng TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông điện tử còn ít so với số lượng TTHC đang thực hiện. Việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với số lượng người dân sử dụng chưa cao như kỳ vọng.
Người đứng đầu phải quyết tâm
Trong 7 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020), cải cách hành chính là chương trình cốt lõi. Theo chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020, mục tiêu đặt ra là TTHC được cải cách cơ bản, mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về TTHC đạt mức trên 80%; sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 80% vào năm 2020. Trong năm 2017, TP Hồ Chí Minh đứng vị trí thứ 10 về Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Par Index 2017).
Tại cuộc họp sơ kết hai năm rưỡi thực hiện chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 mới đây, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định: Kinh nghiệm cho thấy, trong những năm qua địa phương, lĩnh vực nào mà người đứng đầu rốt ráo trong chỉ đạo, điều hành thì kết quả cải cách hành chính đạt cao hơn địa phương, lĩnh vực khác. Điều này cho thấy, vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền rất quan trọng.
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, hiện thành phố đang đối mặt bốn thách thức: Dân số tăng nhanh; kinh tế tăng trưởng cao nhưng chưa bền vững; quản trị đô thị còn mang tính tình thế; chất lượng phục vụ người dân chưa tốt. Trong đó, thách thức thứ tư nằm ở công tác cải cách hành chính. Người đứng đầu chính quyền thành phố tin tưởng, nếu hệ thống hành chính cải cách mạnh mẽ thì người dân sẽ luôn theo sát và ủng hộ.
Năm 2018, thành phố tập trung đầu tư và đồng bộ hóa dịch vụ công trực tuyến mức độ cao ở tất cả các cấp, các ngành và các lĩnh vực; công khai và minh bạch toàn bộ TTHC với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm và người dân được tham gia quá trình cải cách hành chính. Qua đó, người dân vừa thụ hưởng kết quả cải cách hành chính vừa giám sát đội ngũ cán bộ, công chức.
Theo kết quả khảo sát năm 2016-2017, tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về TTHC tại TP Hồ Chí Minh đạt trên 80%. Tính đến tháng 3-2018, tổng số TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là 716 dịch vụ, tăng 31 dịch vụ so với năm 2017; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt 49%. Tỷ lệ cấp đăng ký doanh nghiệp qua mạng năm 2017 đạt 70,98%... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.