(HNM) - Khi hàng tỷ người trên toàn thế giới đón mừng năm mới 2022, các nhà lãnh đạo ở nhiều quốc gia nhân dịp này đã gửi thông điệp tới người dân. Trong bối cảnh biến chủng Omicron của vi rút SARS-CoV-2 rất dễ lây lan tạo thêm nhiều quan ngại, xung đột ở nhiều khu vực, khủng hoảng năng lượng, biến đổi khí hậu…, các nhà lãnh đạo đã kêu gọi sự đoàn kết để chống lại thách thức phía trước, cũng như kỳ vọng về những cơ hội của năm 2022.
Năm nay, Đức đón năm mới với một nhà lãnh đạo mới nhưng vấn đề đầu tiên quốc gia “đầu tàu” châu Âu này hướng đến vẫn là đại dịch Covid-19. Thủ tướng Olaf Scholz lần đầu tiên có bài phát biểu trong đêm Giao thừa với lời kêu gọi đoàn kết. Trong thông điệp năm mới, ông O.Scholz nhấn mạnh những thách thức mà lũ lụt và đại dịch gây ra cho nước Đức vào năm 2021, đồng thời cho rằng việc kiểm soát làn sóng dịch bệnh "sẽ là một nhiệm vụ chính trong năm 2022". Ông kết thúc bài phát biểu với lời kêu gọi: "Điều ước lớn nhất của tôi cho năm 2022 là chúng ta tiếp tục sát cánh bên nhau".
Tại Paris (Pháp), giới chức đã hủy bắn pháo hoa trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 tăng cao, quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong các hoạt động ngoài trời đã được đa số người dân thực hiện trở lại trên đại lộ Champs-Elysées. Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố rằng ông hoàn toàn tự tin về năm mới. Trong bài phát biểu từ Điện Elysee đêm Giao thừa, ông E.Macron nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiêm vắc xin phòng Covid-19. Ông yêu cầu 5 triệu cư dân Pháp chưa tiêm vắc xin phải hoàn thành việc này như một nghĩa vụ cho đồng bào và đất nước. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố trong bài diễn văn chào đón năm mới, rằng Nga "kiên quyết và nhất quán" bảo vệ lợi ích và an ninh của người dân. Dù còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết nhưng ông V.Putin khẳng định nước Nga sẽ vượt qua năm 2022 một cách mạnh mẽ.
Trong khi đó, thành phố New York (Mỹ) đã thu nhỏ quy mô lễ đón Giao thừa. Với điều kiện như tiêm chủng đầy đủ, đeo khẩu trang và tuân thủ các quy tắc giãn cách, khoảng 16.000 người đã đổ về Quảng trường Thời đại để chứng kiến thời khắc quả cầu nặng 6 tấn nạm gần 2.700 viên pha lê được thả xuống, chính thức đánh dấu thời khắc New York bước sang năm mới 2022. Trong một video đăng lên Twitter trước thềm năm mới, Tổng thống Joe Biden ghi nhận những tổn thất do đại dịch gây ra nhưng ông khẳng định: “Chúng tôi đang hồi phục. Trở lại công việc, trở lại trường học, trở lại với niềm vui, đó là cách chúng ta đã vượt qua trong năm 2021. Và cũng là cách chúng ta cùng nhau tiếp tục trong năm 2022”.
Năm nay, từ Nam Kinh đến Vũ Hán, nhiều thành phố của Trung Quốc đã hủy bỏ các hoạt động ăn mừng đêm Giao thừa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu đầu năm mới đã gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả mọi người. Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, người dân nước này đã chứng kiến những sự kiện mang tính bước ngoặt trong lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc và đất nước, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm chiến lược.
Với lượng khán giả đến xem pháo hoa và lễ kỷ niệm thấp kỷ lục, Australia cũng chào đón năm mới một cách thận trọng. Dẫu vậy, trong bài phát biểu năm mới, Thủ tướng Scott Morrison nói: “Bất chấp đại dịch, lũ lụt, hỏa hoạn, hạn hán tiếp diễn ở một số khu vực, Australia ngày nay mạnh hơn chúng ta một năm trước. Và đặc biệt là chúng ta an toàn hơn”.
Những thông điệp trên đều thể hiện mong muốn của các nhà lãnh đạo về một thế giới mau chóng thoát khỏi dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Năm mới, thời cơ mới, hy vọng mới. Năm 2022 đang mở ra với nhiều hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn phía trước sau hai năm đầy biến động vì đại dịch Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.