(HNM) - Hoạt động với tinh thần “Tình nguyện - Tâm huyết - Đoàn kết - Sáng tạo”, trải qua 15 năm thành lập, phát triển (2001-2016), Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội (DSVHTLHN) đã góp phần bảo tồn, phát huy kho tàng DSVH phong phú, đa dạng của Thủ đô và lan tỏa tình yêu di sản tới cộng đồng.
Phát triển hội viên, bảo tồn di sản
Mục đích mà Hội DSVHTLHN hướng tới là bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Ngay sau khi thành lập theo Quyết định số 1147/QĐ-UB, ngày 1-3-2001, của UBND TP Hà Nội, Hội đã quan tâm phát triển hội viên và mạng lưới chi hội cơ sở. Số hội viên không ngừng tăng lên. Nếu như năm 2001, Hội chỉ có 60 hội viên thì đến năm 2004, con số này đã là 200 người, năm 2011 tăng lên gần 1.000 người và hiện nay là 2.360 người, sinh hoạt ở 34 chi hội cơ sở.
Các di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn, phát huy và được thế giới công nhận. Trong ảnh: Một buổi biểu diễn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại Liên hoan diễn xướng Chầu văn Hà Nội 2016. Ảnh: Anh Tuấn |
Dù “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, hội viên Hội DSVHTLHN luôn cố gắng phát huy tối đa khả năng của mình trong các hoạt động bảo tồn di sản. Điển hình như ông Vũ Xuân Tròn, Chi hội trưởng DSVH Sở Thượng (Hoàng Mai). Hơn 10 năm tham gia công tác hội, ông Vũ Xuân Tròn cùng các hội viên trong Chi hội DSVH Sở Thượng bền bỉ tuyên truyền, vận động nhân dân công đức, đóng góp hơn 20 tỷ đồng xây dựng quần thể di tích đình, chùa, đền, miếu ở địa phương; khôi phục lễ hội truyền thống làng Sở Thượng (ngày 15 tháng Giêng hằng năm) sau hơn 60 năm không tổ chức lễ hội. Ông Phạm Văn Lợi, Liên Chi hội trưởng DSVH Hoàng Mai cho biết thêm, ngoài tuyên truyền, vận động nhân dân phát tâm công đức tu bổ, tôn tạo di tích, Liên Chi hội còn phối hợp với BQL di tích đình Mai Động mở lớp đào tạo đô vật trẻ - một trong những loại hình di sản của địa phương. Tương tự, Chi hội DSVH Đống Đa cùng Ban Quản lý di tích đình - đền Hào Nam đã dày công tìm lại Thần phả bị thất lạc và dịch nghĩa để người dân hiểu giá trị di tích. Căn cứ vào hương ước cổ làng Hào Nam, những người yêu di sản quận Đống Đa từng bước hoàn chỉnh nghi thức tế lễ trong lễ hội đình - đền Hào Nam; phục dựng thành công điệu múa cổ “Đĩ đánh bồng” và hát trống quân “Mó cá”, góp thêm phần “hồn” cho di tích.
Các chi hội khác cũng có nhiều hành động, việc làm thiết thực góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Đồng hành cùng sự phát triển Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội
15 năm qua, Hội DSVHTLHN và các chi hội trực thuộc đã huy động được hơn 150 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo, xây dựng các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Thủ đô; góp phần khôi phục, giữ gìn nhiều loại hình DSVH phi vật thể. Hội đã chủ trì, phối hợp với UBND xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) xây dựng Khu tưởng niệm Hoàng hậu Lê Ngọc Hân. Đây là công trình lớn, phải thực hiện nhiều công đoạn, từ tổ chức hội thảo khoa học, xây dựng đề án đến huy động kinh phí. Nhờ sự đồng lòng của hội viên và sự ủng hộ của nhân dân, cuối năm 2011, Khu tưởng niệm Hoàng hậu Lê Ngọc Hân cơ bản hoàn thành, gồm di lăng và đền thờ Hoàng hậu Lê Ngọc Hân. Ngoài ra, Hội DSVHTLHN đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng, các nhà khoa học tổ chức 50 buổi sinh hoạt chuyên đề về quần thể di tích quanh hồ Hoàn Kiếm, các di tích vùng hồ Tây, khu phố cổ Hà Nội, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long…; về nghệ thuật hát chèo, ca trù, xẩm, tín ngưỡng thờ Phật, tín ngưỡng thờ Mẫu và Hầu đồng... (mỗi buổi có từ 350 đến 450 hội viên tham gia).
Đồng hành cùng sự phát triển DSVHTLHN, Hội còn nghiên cứu, biên soạn và xuất bản một số sách như: “Tìm trong di sản văn hóa Việt Nam, Thăng Long - Hà Nội”, xuất bản năm 2002; “Danh thắng, di tích và lễ hội truyền thống Việt Nam”, gồm 4 tập, xuất bản từ năm 2004 đến 2007; “Hà Nội - danh thắng và di tích” - 2011; “Hà Nội - Truyền thống và di sản”, xuất bản từ năm 2009, đã được 12 tập; “Hoàng hậu Lê Ngọc Hân và sự tri ân của hậu thế”, “Tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ Hầu đồng” - năm 2013; “Hà Nội - Di tích cách mạng kháng chiến và lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh” - 2016. Những cuốn sách này được các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa đánh giá cao về chất lượng chuyên môn. Tại buổi làm việc với Hội DSVHTLHN vào ngày 19-8 vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận, biểu dương kết quả, sáng kiến, phương thức hoạt động của Hội DSVHTLHN. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định, những kết quả mà Hội DSVHTLHN đạt được trong 15 năm qua góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, phát huy giá trị DSVHTLHN nói riêng, cả nước nói chung.
Thời gian tới, Hội DSVHTLHN tiếp tục tổ chức thêm nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá DSVH, tăng cường phản biện xã hội về lĩnh vực này. Dự kiến, Hội sẽ thành lập Trung tâm Nghiên cứu phát huy truyền thống và di sản; “đỡ đầu” công trình DSVH hoặc một đề tài khoa học có giá trị thực tiễn; biên soạn, phát hành bản tin về DSVH, góp phần lan tỏa tình yêu di sản tới cộng đồng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.