Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa hai quy tắc ứng xử của Hà Nội: Nhân lên những mô hình văn hóa

Nguyễn Thanh| 23/07/2022 06:13

(HNM) - Bước vào năm thứ 5 triển khai, thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, văn hóa ứng xử trên địa bàn Thủ đô đã có những chuyển biến rõ nét thông qua nhiều cách làm hay, những mô hình sáng tạo ở cơ sở. Hướng đi này tiếp tục được thành phố nhân rộng nhằm lan tỏa sâu rộng hệ thống quy tắc ứng xử trong đời sống xã hội.

Di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn gắn với Quy tắc ứng xử tại đình Đăm, phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm).

Những mô hình hay, cách làm sáng tạo

Được đánh giá là một trong nhiều điểm sáng của phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở Thủ đô, phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) không chỉ có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, như: Tháng đi bộ truyền thống, gia đình học tập, cầu thang văn hóa…, mà còn nổi bật với nỗ lực nhân rộng, lan tỏa những mô hình này trong cộng đồng dân cư. Có thể kể đến mô hình “Cầu thang văn hóa” ở tổ dân phố 17, đã trở thành nét đẹp trên địa bàn phường, được nhiều khu tập thể, chung cư áp dụng.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân Lâm Văn Thảo, từ một không gian chung, thường bị tận dụng làm điểm để xe lộn xộn, tập kết rác mất mỹ quan…, người dân đã tổ chức thành điểm sinh hoạt văn hóa, với thư viện thu nhỏ, có nhiều loại sách, báo; niêm yết phổ biến quy tắc ứng xử, quy định của khu dân cư; dần trở thành không gian kết nối, giao lưu văn hóa, gắn kết mọi người. Đến nay, toàn phường đã có hơn 80 mô hình tương tự, duy trì hoạt động hiệu quả, góp phần củng cố tình đoàn kết, nâng cao chất lượng đời sống, văn hóa ứng xử trong cộng đồng.

Còn theo bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh, Tổ trưởng tổ dân phố 19 (phường Nghĩa Tân), 100% dãy nhà ở tổ dân phố đều xây dựng “Cầu thang văn hóa”. Từ những mô hình này, nhiều hoạt động vì cộng đồng trở thành thói quen, văn hóa ứng xử của người dân, như: Tổng vệ sinh môi trường vào thứ bảy hằng tuần, quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai, thi đua phụ nữ đảm đang, khéo léo…

Trong khi đó, quận Long Biên chú trọng mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, hiện đại thông qua mô hình “Tổ dân phố xanh, sạch, đẹp, văn minh”. Từ đây, nhiều cách làm sáng tạo ra đời, được người dân tích cực nhân rộng, đem lại kết quả khả quan. Chẳng hạn như phong trào tổ chức không gian xanh, hữu ích cho mọi người tại các khu vực nhà văn hóa, ngõ xóm… với những đường hoa, bích họa… Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Long Biên Lê Thị Hương cho biết, từ việc làm đẹp phố phường, tạo không gian xanh, sạch, người dân đã khơi dậy ý thức vun vén, chung tay giữ gìn môi trường văn hóa tới cộng đồng. Cùng với mô hình “Tổ dân phố xanh, sạch, đẹp, văn minh”, quận Long Biên còn có những mô hình hoạt động hiệu quả đang được nhân rộng, như: “Liên gia tự quản”, “Văn hóa ứng xử trong kinh doanh thương mại”…

Đoàn viên Đoàn Thanh niên phường Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm) tham gia làm đẹp đường phố, giữ gìn văn minh đô thị.

Để gần gũi, phù hợp, hiệu quả hơn nữa

Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Thành Tuyên thông tin, sau 5 năm triển khai Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, văn hóa ứng xử của cộng đồng đã có thay đổi rõ nét. Từ những quy tắc chung, các ngành, địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, đưa các quy tắc ứng xử trở nên gần gũi, thành thói quen của người dân, tiêu biểu như các mô hình: Tổ dân phố "5 không" ở quận Thanh Xuân; thôn, làng sáng, xanh, sạch, đẹp ở huyện Đan Phượng; di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn gắn với quy tắc ứng xử ở quận Bắc Từ Liêm; quy tắc ứng xử với mô hình lễ tang văn minh, tiến bộ ở huyện Mê Linh…

Mới đây, huyện Thanh Oai đã khảo sát, tiếp tục xây dựng các mô hình thực hiện quy tắc ứng xử mới. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi cho biết, các mô hình được đầu tư xây dựng trong giai đoạn này, gồm: Mô hình văn hóa ứng xử trong trường học, với lực lượng đoàn thanh niên là nòng cốt; mô hình quy tắc ứng xử gắn với làng văn hóa kiểu mẫu và cơ quan văn hóa, mà trọng tâm là bộ phận "một cửa". Dự kiến, sẽ có các cuộc tọa đàm tổ chức rộng rãi trong khu dân cư để cùng đóng góp, xây dựng, bổ sung tiêu chí gần gũi, phù hợp với đặc thù địa phương, bên cạnh những quy tắc chung của thành phố. Tương tự, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Đống Đa Nguyễn Trọng Hải cho hay, để các quy tắc ứng xử ngày càng đi vào đời sống, quận xác định đổi mới mạnh mẽ phương thức tuyên truyền, vận động thông qua các mô hình văn hóa tiêu biểu, phù hợp với đặc trưng của quận cũng như các hội thi, hội diễn, tọa đàm tìm hiểu về quy tắc ứng xử.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, các mô hình văn hóa đã chứng minh tính hiệu quả trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư, cải thiện "bộ mặt" địa phương. Do đó, cần xây dựng, nhân rộng nhiều hơn nữa các mô hình văn hóa gắn với các quy tắc ứng xử, trong đó lấy con người, gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị, trường học là hạt nhân.

“Các địa phương, đơn vị có thể xây dựng tiêu chí bổ sung để phù hợp với đặc thù riêng của mình; tổ chức căng treo phông nhận diện các mô hình tại địa điểm trung tâm, dễ thấy; đồng thời, khai thác sức sáng tạo của các tổ chức, đoàn thể vào việc tuyên truyền, vận động xây dựng, nhân rộng các mô hình”, bà Trần Thị Vân Anh lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa hai quy tắc ứng xử của Hà Nội: Nhân lên những mô hình văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.