(HNM) - Thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội triển khai nhiều mô hình khuyến khích hội viên tái chế, tận dụng rác thải trong sinh hoạt.
Giới thiệu các vật dụng được làm từ vật liệu tái chế. |
“Giấy báo, tạp chí cũ, chai lọ nhựa, thủy tinh hay các đồ vật bị hư hỏng nếu vứt bỏ sẽ là rác, nhưng biết cách tận dụng sẽ trở thành những sản phẩm hữu ích” - chị Nguyễn Thị Sinh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình hào hứng nói. Chị Sinh giới thiệu hàng loạt sản phẩm ý nghĩa, có nhiều công dụng mà hội viên phụ nữ phường đã tái chế, như hộp đựng giấy ăn, hộp đựng bút, giỏ đựng đồ làm từ giấy vụn, những chậu hoa nhỏ xinh từ chai lọ nhựa đã qua sử dụng được cắt tỉa hình con giống… Còn chị Nguyễn Ngọc Hòa, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ phường Ngọc Hà, quận Ba Đình chia sẻ: Từ trước đến nay, mọi người thường bỏ đi nhiều vật dụng trong gia đình mà không nghĩ rằng vẫn có thể tái chế để tiếp tục sử dụng, tuy có tốn công nhưng chúng thực sự có ích trong cuộc sống hằng ngày.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Ba Đình Hoàng Việt Nga cho biết: “Từ năm 2015, 14 Hội Liên hiệp phụ nữ cơ sở đã triển khai nhiều hoạt động, khuyến khích hội viên thu gom vật liệu qua sử dụng, tái chế thành các sản phẩm hữu ích, đồng thời tổ chức các lớp học nữ công hè cho thiếu nhi với chủ đề “Em yêu môi trường”. Qua đây đã hình thành thói quen tiết kiệm, góp phần làm thay đổi hành vi, nhận thức của phụ nữ, thiếu nhi và cả cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường”.
Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hai Bà Trưng lại chọn sáng kiến dùng vỏ hộp sữa, lon bia, len cũ các loại để tạo thành những trang sách truyện, con vật ngộ nghĩnh làm dụng cụ giảng dạy trực quan và đồ chơi cho trẻ ở các trường mầm non… Hội Liên hiệp phụ nữ quận Cầu Giấy “tái chế” can đựng nước giặt, vỏ chai nước xả vải, vỏ chai dầu ăn, chậu nhựa thành chậu trồng hoa, cây xanh trang trí trong nhà, các điểm vui chơi, nhà họp tổ dân phố...
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường từ túi ni lông, Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hoàn Kiếm chỉ đạo hội viên phụ nữ cơ sở thực hành “2T” - tận dụng, tiết kiệm các nguyên vật liệu cũ để tái chế thành các sản phẩm có giá trị thay thế, như gấp túi giấy đựng đồ cho khách hàng, hạn chế sử dụng túi ni lông.
Ngoài ra, hội viên phụ nữ quận Hoàn Kiếm tập hợp phế liệu bán lấy tiền gây quỹ, trích ủng hộ hội viên phụ nữ nghèo. Điển hình là cán bộ, hội viên phụ nữ phường Chương Dương, khi từ đầu năm 2017 đến nay đã thực hiện phong trào ngày thứ bảy cuối cùng của tháng là “Ngày hội gom rác”. Từ 6h đến 16h trong ngày này, hội viên phụ nữ mang phế liệu như vỏ chai, giấy vụn, đồ nhựa đã làm sạch đến nhà văn hóa để bán cho thành viên câu lạc bộ “Phụ nữ ngoại tỉnh” lấy tiền ủng hộ quỹ hội. Là một hội viên tích cực, bà Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: “Từ khi Hội Liên hiệp phụ nữ phường phát động phong trào, tôi và các thành viên trong gia đình đều có ý thức phân loại phế liệu thay vì vứt bỏ như trước kia”.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Chương Dương Phạm Hồng Hạnh cho biết: Hoạt động thu gom phế liệu gây quỹ hỗ trợ người nghèo xuất phát từ thực trạng nhiều gia đình xả rác thải, phế liệu bừa bãi, gây mất vệ sinh môi trường, lãng phí. Từ 4 chi hội ban đầu thực hiện, đến nay, 15/15 chi hội đã tham gia. Nguồn kinh phí thu được qua 6 tháng phát động, Hội Liên hiệp phụ nữ phường đã hỗ trợ 25 triệu đồng để sửa nhà cho gia đình anh Nguyễn Hữu Yến, thương binh nặng ở tổ dân phố Hồng Hà 6.
Dù cách làm khác nhau, nhưng hiệu quả các mô hình tái chế, tận dụng rác thải đều có một mục đích chung là giúp môi trường sống tốt hơn. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội Trần Thị Phương Hoa cho biết: “Nhiều mô hình tái chế, tận dụng rác thải được các cấp hội thực hiện trong thời gian qua đạt hiệu quả. Với trách nhiệm của mình, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên có những hoạt động thiết thực, góp phần giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.