(HNM) - “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, cứ mỗi độ xuân về, nhân dân Thủ đô lại tích cực tham gia Tết trồng cây, đưa phong trào trở thành nét đẹp văn hóa vào dịp năm mới. Năm 2023, Hà Nội phấn đấu trồng 400.000-450.000 cây xanh đô thị, cây ăn quả…; trồng bổ sung 20-30ha rừng, tạo dựng cảnh quan và bồi đắp lá phổi xanh cho thành phố, vì một Thủ đô phát triển bền vững.
Đồng loạt triển khai Tết trồng cây
Sáng 26-1 (ngày mùng 5 Tết), trong khuôn viên Nhà văn hóa thôn Đức Hậu, xã Đức Hòa, UBND huyện Sóc Sơn phát động Tết trồng cây xuân Quý Mão 2023 đến nhân dân 26 xã, thị trấn.
Tại lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết: Tết trồng cây đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam và mang đến nhiều lợi ích thiết thực. Những năm gần đây, Sóc Sơn có nhiều đổi mới: Không tổ chức tại trụ sở UBND huyện mà phát động Tết trồng cây tại các xã, thị trấn nhằm tạo ra không khí thi đua sôi nổi, thiết thực, hiệu quả... Năm nay, huyện phấn đấu trồng 15.000 cây xanh các loại và chăm sóc, bảo vệ hơn 4.500ha rừng. UBND huyện đã giao chỉ tiêu mỗi xã trồng mới 900 cây xanh, thị trấn Sóc Sơn 200 cây, các trường học 900 cây, bệnh viện - trạm y tế… trồng 500 cây xanh.
Cũng trong năm 2023, huyện Thanh Oai sẽ trồng 3.500 cây bóng mát gồm: Sang, phong linh, phượng vĩ, bằng lăng, muồng và 1.500 cây ăn quả các loại. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Dương Bá Mẫn cho biết: UBND huyện đã phát động Tết trồng cây đến nhân dân và giao các địa phương chọn địa điểm phù hợp để trồng cây; đồng thời tuyên truyền tới người dân, nhất là học sinh, tích cực tham gia chăm sóc và bảo vệ cây xanh để mỗi hàng cây là một tuyến đường đẹp trong tương lai.
Tương tự, quận Hoàn Kiếm phát động Tết trồng cây vào ngày làm việc đầu tiên của năm mới. Quận tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung của phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ cây xanh, giữ gìn cảnh quan môi trường. Đồng thời, quận yêu cầu 17 phường tổ chức trồng bổ sung cây xanh tại các trường học, vườn hoa, hè phố...
Cùng với trồng cây đô thị, cây ăn quả, nhiều địa phương còn đẩy mạnh triển khai đề án trồng rừng thay thế và bảo vệ rừng. Huyện Quốc Oai trồng bổ sung và chuyển 10ha rừng keo, bạch đàn giá trị kinh tế thấp sang trồng rừng sinh thái. Huyện Mỹ Đức thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ gần 3.500ha rừng đặc dụng, 1.457ha rừng sản xuất. Vườn quốc gia Ba Vì trồng thêm hoa dã quỳ, lan, đỗ quyên để tạo cảnh quan, thu hút khách du lịch…
Nối dài những thảm cây xanh
Tết trồng cây xuân Quý Mão 2023, Hà Nội sẽ trồng 200.000-250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến giao thông đô thị; trồng 200.000 cây ăn quả; trồng mới, trồng bổ sung 20-30ha rừng... Với cây xanh đô thị, trồng đa dạng chủng loại; đồng thời duy trì phát triển cây bản địa, bổ sung loài cây mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Hà Nội; thống nhất về kích cỡ cây và cây trồng phải được bảo vệ, chăm sóc đúng kỹ thuật... Đặc biệt, thông qua phong trào trồng cây, trồng rừng, để cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức sâu sắc ý nghĩa “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và thấy rõ vai trò quan trọng của cây xanh đối với đời sống kinh tế - xã hội.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên, từ việc duy trì phong trào trồng cây đầu xuân, trong giai đoạn 2016-2022, Hà Nội đã trồng hơn 2 triệu cây xanh, nhiều tuyến phố được khoác lên màu xanh tươi mới với những hàng lát hoa, sao đen, bàng lá nhỏ, ban hoàng hậu, muồng hoàng yến... Các huyện, thị xã có rừng đã trồng mới và trồng bổ sung gần 1.600ha rừng, nâng tổng diện tích rừng của thành phố lên hơn 27.100ha, cùng hàng nghìn héc ta cây ăn quả, góp phần tạo ra “lá phổi tự nhiên” bảo vệ môi trường sinh thái Thủ đô.
Hà Nội đang ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, tỷ lệ cây xanh ở khu vực nội thành còn thấp; hệ thống vườn ươm còn hạn chế về chủng loại cây, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường; hệ thống công viên cây xanh chưa theo kịp tốc độ phát triển đô thị; diện tích rừng trồng mới hằng năm còn thấp, chất lượng cây rừng chưa cao...
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, Sở đang trình thành phố đề án trồng cây xanh một cách bài bản; trồng các giống cây rừng có chất lượng và cây gỗ lớn…, qua đó thực hiện có hiệu quả Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1-4-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 15-3-2022 của UBND thành phố Hà Nội về trồng cây, trồng rừng giai đoạn 2021-2025.
Với việc triển khai hiệu quả Tết trồng cây cũng như nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc trồng và chăm sóc cây xanh, những thảm thực vật xanh sẽ nối dài từ khu vực đô thị đến vùng nông thôn, góp phần xây dựng một Hà Nội xanh, phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.