Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển trục cảnh quan sông Hồng: Phác họa Hà Nội xanh

Bảo Hân| 05/06/2023 06:14

(HNM) - Trong quan điểm tổ chức không gian lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sông Hồng là một trong 5 trục quan trọng với định hướng phát triển là không gian xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. Với trục cảnh quan sông Hồng, diện mạo Thủ đô được phác họa là thành phố xanh, thông minh, thịnh vượng và thanh bình.

Hà Nội xác định sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm thành phố trong tương lai. Ảnh: Nhật Nam

Trục phát triển trung tâm của Thủ đô

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô khẳng định, sông Hồng đóng vai trò quyết định trong toàn bộ quá trình hình thành và biến đổi của vùng châu thổ, cùng với toàn bộ diễn tiến lịch sử, kinh tế, xã hội và văn hóa, đặc biệt với khu vực Hà Nội - trung tâm của châu thổ sông Hồng.

Thành phố Hà Nội đang chứng kiến quá trình đô thị hóa với tốc độ chóng mặt ở cả hai bên bờ sông Hồng. Bên cạnh hệ thống cầu, đường được xây dựng từ trước, một loạt cầu mới hiện đại, cùng các đường Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 3,5 và đặc biệt là đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đang được triển khai xây dựng. Hệ thống các tuyến đường giao thông hai bên bờ sông, nội đô, nội thị cũng được nâng cấp…

“Hệ thống giao thông ngày một hoàn chỉnh và hiện đại không chỉ kết nối hai bên bờ sông, toàn vùng châu thổ, mà đã kéo sông Hồng trở lại vị trí trung tâm, trục phát triển chủ đạo của Thủ đô Hà Nội”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc khẳng định.

Trên cơ sở đó, Hà Nội quyết định chọn trục không gian sông Hồng là trục chủ đạo cho sự phát triển Thủ đô trong chủ trương xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại là quyết sách kịp thời và đúng đắn. Cùng với đó, thành phố cũng đã có kế hoạch phát triển các huyện nằm dọc sông Hồng thành quận (tả ngạn là Đông Anh, Gia Lâm; hữu ngạn là Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì). Ở phía Nam sông Hồng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên cũng đang có tốc độ phát triển mạnh mẽ. Trong tương lai, khu vực này sẽ được nâng cấp trở thành một thành phố.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng cho rằng, sông Hồng có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ với Thủ đô Hà Nội mà với cả vùng đồng bằng rộng lớn. Khai thác sông Hồng làm trục cảnh quan của Thủ đô là việc cần làm nhanh chóng. “Hiện vẫn chưa có dự án nào thực sự lớn để khai phá dòng sông đúng với tiềm năng, quỹ đất hiện có ngoài một số cây cầu được xây dựng”, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính đặt vấn đề.

Sau nhiều năm chờ đợi, quy hoạch phân khu sông Hồng đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tháng 4-2022. Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Chính cho rằng, để quy hoạch này thành hiện thực, cần sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ không chỉ chính quyền Thủ đô mà cả các bộ, ngành, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về giải quyết những điểm còn vướng mắc.

Tôn trọng tối đa tính thuận tự nhiên

Đồng tình với chủ trương của Hà Nội xác định quy hoạch sông Hồng là trục chính để phát triển, Tiến sĩ Nguyễn Đình Dương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội góp ý thêm, quy hoạch sông Hồng không chỉ nghiên cứu trong phạm vi chiều dài 40km qua đô thị trung tâm mà cần xem xét toàn bộ 163km qua địa giới của Hà Nội. Đặc biệt, quy hoạch cần chú trọng đến an ninh nguồn nước không chỉ cho nhân dân Thủ đô mà cả vùng Đồng bằng sông Hồng. Do đó, Hà Nội cần kiến nghị với các tỉnh phía thượng lưu phải có giải pháp ổn định dòng chảy, an toàn hành lang thoát lũ, cùng phát triển bền vững. Đồng thời, các tỉnh phía thượng lưu cần cam kết rằng nguồn nước thải ra sông Hồng không trở thành gánh nặng cho các tỉnh phía hạ lưu, trong đó có Hà Nội.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, việc nghiên cứu sông Hồng đã được thực hiện từ lâu với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước, thể hiện qua 20 dự án lớn nhỏ khác nhau. Trên tinh thần kế thừa những nghiên cứu trước đó, quy hoạch sông Hồng phải được xem như dấu ấn của quá trình phát triển trong giai đoạn hiện nay với sự quan tâm đồng bộ, không những về kinh tế mà còn khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử; nhận diện đầy đủ quỹ di sản còn lại hai bên sông. Ngoài ra, trong bối cảnh mới phải áp dụng khoa học công nghệ nhằm ổn định dòng chảy, đời sống dân cư và có sự tham gia của các bộ, ngành trung ương…

Cùng đưa ra các gợi ý để phát triển không gian hai bên bờ sông một cách bền vững, kiến trúc sư Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) cho rằng, phải tôn trọng tối đa tính thuận thiên, thuận theo các dòng chảy của sông Hồng, hạn chế bê tông hóa và không chất tải hạ tầng quá lớn hai bên bờ sông. Khu vực bãi sông cần tạo ra chuỗi các công viên, vườn hoa lớn giữa lòng Thủ đô để người dân dễ dàng tiếp cận, thụ hưởng. 

Theo đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, đơn vị lập Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, đồ án đã đặt nền móng phát triển thành phố theo hướng “nhìn sông” thay vì “quay lưng” vào dòng sông. Theo định hướng quy hoạch, phân khu đô thị sông Hồng có chức năng chính là không gian thoát lũ, trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa, lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm. Các công trình xây dựng chính là công trình công cộng, công viên cây xanh, văn hóa, dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển trục cảnh quan sông Hồng: Phác họa Hà Nội xanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.