Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiên định phát triển du lịch bền vững

Bắc Vũ| 04/04/2022 06:29

(HNM) - Với vẻ đẹp bất tận, đến nay, Việt Nam đã trở thành “điểm sáng” trên bản đồ du lịch thế giới, một điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn với du khách quốc tế.

Cùng với những bước tiến của đất nước, những năm qua, du lịch Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Với nỗ lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các cấp, ngành chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng làm du lịch đã tập trung khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên tươi đẹp, truyền thống lịch sử hào hùng, văn hóa phong phú, đa dạng, con người hiền hòa, thân thiện... Nhờ vậy, nhiều sản phẩm, thương hiệu, điểm đến du lịch trên dải đất hình chữ S đã ghi dấu ấn mạnh mẽ, là trải nghiệm không thể bỏ qua với du khách khi đến Việt Nam.

Trong quá trình phát triển, ngành Du lịch luôn chú trọng xây dựng hình ảnh “Việt Nam - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”. Bằng tất cả tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và sự linh hoạt, sáng tạo, những người làm trong ngành “công nghiệp không khói” đã chung sức, đồng lòng gây dựng, đưa những nét văn hóa truyền thống, thiên nhiên, con người Việt Nam trở nên nổi bật và đặc biệt quyến rũ.

Cũng để tạo dấu ấn ngày càng tốt đẹp trong lòng du khách, việc xây dựng, cung cấp các dịch vụ, sản phẩm du lịch theo hướng tăng trưởng xanh đã, đang trở thành phương thức phát triển tất yếu. Xu hướng mạnh mẽ nhất được ngành Du lịch cùng các địa phương và doanh nghiệp lữ hành, điểm đến chọn lựa là phát triển dựa trên cơ sở tôn trọng, bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên thiên nhiên; thực hiện các hoạt động quản lý, kinh doanh và tiêu dùng du lịch xanh; tiêu thụ ít năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo; đồng thời, tạo việc làm, cải thiện sinh kế và mang lại hạnh phúc cho người dân địa phương, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Vừa là xu thế tất yếu, nhưng hơn thế, đặt trong bối cảnh hiện nay, khi mà đại dịch Covid-19 đã có những tác động nghiêm trọng khiến lĩnh vực du lịch đối mặt với muôn vàn khó khăn chưa từng có, thì càng thấy rõ tăng trưởng xanh, bền vững không chỉ tốt mà còn khẳng định tính đúng đắn lâu dài cho ngành Du lịch.

Nhìn về tương lai với những tín hiệu tích cực bước đầu trong phát triển bền vững ngành Du lịch, chúng ta không thể không nhắc đến những bất cập và khó khăn nội tại mang tính chủ quan đang đặt ra. Đó là việc khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch ở một số địa phương còn diễn ra tự phát, thiếu hợp lý, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan, tài nguyên và môi trường; đánh mất đi nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương. Nhiều cơ sở kinh doanh du lịch chưa có giải pháp tích cực để sử dụng các nguồn năng lượng thay thế, nhiên liệu sạch, vật liệu mới, gần gũi thiên nhiên… Không những thế, còn một bộ phận khách du lịch thiếu ý thức, có những hành vi lệch chuẩn ở điểm du lịch, di tích; vô tư xả rác ra môi trường…

Rõ ràng, để du lịch tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, một mặt phải nỗ lực khắc phục những khó khăn, vướng mắc kể trên, mặt khác, ngành Du lịch cần xác định đại dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen của người dân, tạo ra xu hướng mới. Bên cạnh đó, khi du lịch thế giới phục hồi, ngoài những thách thức cạnh tranh, đây còn là cơ hội để Việt Nam trở thành nơi được lựa chọn du lịch hàng đầu, điểm đến trải nghiệm hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Trên tinh thần này, tại Lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh” diễn ra ngày 26-3-2022 tại tỉnh Quảng Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Chúng ta cần kiên định với những giá trị bền vững mà nhiều năm qua đất nước Việt Nam, du lịch Việt Nam đã tạo dựng và xác lập trong lòng du khách quốc tế. Đó là thông điệp “Việt Nam - Đất nước an toàn”, hình ảnh “Việt Nam điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, một điểm đến với “vẻ đẹp bất tận””.

Kiên định phát triển du lịch bằng những giá trị bền vững chính là hướng đến một tương lai lâu dài và tốt đẹp. Giá trị bền vững chính là gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc; tập trung xây dựng môi trường du lịch xanh với sự thân thiện, an toàn, hòa hợp giữa người dân, du khách và môi trường thiên nhiên… Đặc biệt là đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động phát triển du lịch, thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển để tạo công ăn việc làm cho người dân trên chính mảnh đất quê hương…

Giữ gìn, phát huy được những giá trị này cũng là cách hiệu quả để chung tay xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện và bền vững. Qua đó, góp phần giúp bạn bè quốc tế cảm nhận được truyền thống yêu chuộng hòa bình, thân thiện và mến khách của dân tộc ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên định phát triển du lịch bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.