(HNMO) - Trong khuôn khổ Lễ hội đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2023; thiết thực kỷ niệm 20 năm Công ước 2003 của UNESCO, ngày 22-4, tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, dưới sự bảo trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổ chức khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu - AVSE Global phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức Diễn đàn bền vững Việt Nam với chủ đề “Phát huy vai trò của di sản và văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững”.
Diễn đàn là dịp để các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, học giả, doanh nghiệp, doanh nhân và tổ chức phi chính phủ trao đổi, thảo luận về vai trò của di sản văn hóa trong lộ trình thúc đẩy du lịch gắn với phát triển bền vững ở các địa phương nói riêng, Việt Nam nói chung.
“Việt Nam là hình mẫu về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản”
Thông tin tại diễn đàn, Việt Nam hiện có hơn 4 vạn di tích, với 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 128 di tích quốc gia đặc biệt, 3.614 di tích quốc gia, 10 nghìn di tích cấp tỉnh; khoảng 70 nghìn di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 483 di sản được đưa vào di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 15 di sản văn hóa phi vật thể và 9 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh…
Góp phần vào việc bảo vệ, gìn giữ, phát huy di sản văn hóa là cộng đồng sở hữu di sản, với vai trò chủ động, tích cực của các nghệ nhân, các chủ thể di sản văn hóa… Sau 3 đợt xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước, Việt Nam hiện có 131 Nghệ nhân nhân dân, 1.619 Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Các di sản văn hóa của Việt Nam được quan tâm bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ và trao truyền, ngày càng phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế cho cộng đồng, góp phần cân bằng, bảo vệ môi trường, củng cố hòa bình và an ninh theo hướng phát triển bền vững.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, thực hiện nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam, thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương đã tập trung triển khai các chủ trương của Đảng, Nhà nước về văn hóa, nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh của dân tộc, đưa văn hóa phát triển ngang hàng với chính trị, kinh tế. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nói, trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã phê chuẩn 4/6 Công ước quốc tế về văn hóa của UNESCO; 5 lần đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO và được tín nhiệm bầu là thành viên Ủy ban Di sản thế giới (nhiệm kỳ 2013-2017), Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO 2003 (các nhiệm kỳ 2006-2010 và 2022-2026), Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 (nhiệm kỳ 2021-2025).
Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo cũng ghi nhận Việt Nam là hình mẫu về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản và mong muốn kinh nghiệm của Việt Nam được chia sẻ với các quốc gia thành viên khác.
Theo đó, một trong những hoạt động cơ bản của Việt Nam trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thời gian qua là việc nhận diện giá trị, kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng, ghi danh ở trong nước và quốc tế, đặt chúng dưới sự bảo hộ của pháp luật; chú trọng bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, đưa di sản văn hóa trở thành địa chỉ đỏ trong việc thu hút ngày càng đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá: “Di sản văn hóa đã và đang trở thành nguồn lực quý giá tạo ra động lực, thương hiệu, sự phát triển mạnh mẽ cho du lịch Việt Nam. Các di sản văn hóa, đặc biệt là di sản đã được ghi danh ở cấp độ quốc gia và quốc tế, đều trở thành điểm đến nổi tiếng, hấp dẫn khách du lịch, mang đến cho Việt Nam nhiều giải thưởng quốc tế, gần đây nhất là bình chọn “Điểm đến hàng đầu thế giới” năm 2022”.
Định vị thương hiệu qua văn hóa, di sản và phát triển du lịch
Diễn đàn diễn ra trong một buổi sáng với 1 phiên thảo luận chung và 3 phiên thảo luận chuyên đề, tập trung vào các nội dung: Định vị thương hiệu địa phương thông qua văn hóa, di sản và phát triển du lịch bền vững; chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa và di sản dựa trên du lịch để phát triển bền vững các thành phố và vùng miền; phối hợp các bên liên quan và gắn kết vùng miền thúc đẩy sự phát triển hài hòa.
Đề xuất giải pháp nâng tầm giá trị của di sản văn hóa trong chiến lược định vị thương hiệu du lịch quốc gia ở Việt Nam, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Thị Thu Hiền đề nghị tiếp tục nghiên cứu, lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận, ghi danh các di sản văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam, chú trọng nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, giao thông chưa phát triển, nhưng có văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Tăng cường nghiên cứu, tuyên truyền, quảng bá, thu hút khách du lịch cũng như các nhà đầu tư; đầu tư xây dựng thương hiệu cho những di tích tiêu biểu trên địa bàn để phát triển khai thác phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế. Mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tăng cường lồng ghép các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc bảo vệ môi trường, phát triển xã hội, kinh tế bền vững, tăng cường hòa bình và an ninh.
Theo Giáo sư Aaron Ahuvia, Đại học Michigan (Hoa Kỳ), du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, lại gặp phải nhiều khó khăn và thách thức. Tiếp tục củng cố để du lịch trở thành ngành mũi nhọn, Việt Nam cần đưa ra các biện pháp phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Cần biến những khách du lịch đến một lần thành những người yêu quý Việt Nam, quay lại nhiều hơn và lan tỏa niềm yêu thích về văn hóa và con người Việt Nam, đồng thời chú trọng tăng thêm lượng khách du lịch từ phương Tây để có thể cạnh tranh được với các nước lân cận. Trên hết, cần thực hiện tất cả điều này một cách bền vững.
Khẳng định không có sự xung đột giữa bảo tồn và phát triển, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia Đặng Văn Bài nhấn mạnh, phát huy di sản văn hóa là nhiệm vụ then chốt trong chiến lược phát triển văn hóa, trong đó mô hình hợp tác công - tư được coi là điển hình tốt về phát triển bền vững, hiệu quả trong bảo tồn và lan tỏa giá trị của di sản văn hóa.
“Với mô hình này, các cơ quan quản lý nhà nước thể hiện vai trò trong xây dựng cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm cách tiếp cận cân bằng giữa phát triển du lịch với quản lý di sản; tuyên truyền, đồng hành với doanh nghiệp và người dân trong các vấn đề liên quan tới bảo tồn, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch… Từ đó, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân cũng như cơ hội biết hơn về văn hóa, di sản, ứng phó tốt hơn với những thay đổi sinh kế, để có thể khai thác hiệu quả, hợp lý các giá trị di sản thành hàng hóa, các sản phẩm chất lượng”, ông Đặng Văn Bài nêu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.