Du lịch

Thúc đẩy du lịch bền vững tại các đô thị: Giảm tải, bớt tắc

Hoàng Lân 10/11/2023 - 06:29

Với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, trên cả nước hình thành nhiều khu đô thị, đây là cơ sở tốt cho phát triển du lịch. Tuy nhiên, lượng khách tập trung cao, đôi khi quá tải cũng đặt ra bài toán về việc cần phải có chính sách phát triển du lịch bền vững, hiệu quả tại các khu đô thị.

du-lich.jpg
Các hoạt động biểu diễn tại phố đi bộ Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) thu hút du khách.

Khách tăng ở những đô thị lớn

Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, xã hội đang giúp Việt Nam hình thành nhiều đô thị mới. Nhìn ở góc độ phát triển du lịch, các khu đô thị đang giúp ngành Du lịch có thêm những không gian trải nghiệm hấp dẫn, dịch vụ chất lượng cho du khách.

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) giai đoạn vừa qua, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam tăng khá nhanh. Nếu như thập kỷ 9 của thế kỷ trước, cả nước có khoảng 500 đô thị, thì đến năm 2022, đã là khoảng 900 đô thị.

Đánh giá về sự phát triển của các độ thị tới phát triển du lịch, Cục phó Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy nhận định, đây là điều kiện thuận lợi để khai thác phát triển du lịch. Hoạt động du lịch tại các đô thị Việt Nam giai đoạn vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, chiếm tỷ trọng chủ yếu về khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch của cả nước. Trong đó, có những đô thị lớn là trung tâm du lịch cả nước như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa)...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự phát triển du lịch tại các đô thị đang bộc lộ một số vấn đề đáng lưu ý, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững như: Gia tăng sức ép đến môi trường; lượng khách quá tải dẫn đến dịch vụ kém chất lượng bên cạnh nạn “chặt chém”; quy hoạch cảnh quan đô thị đôi khi bị phá vỡ bởi các dự án xây dựng hạ tầng du lịch. Vào mùa cao điểm, tình trạng ùn tắc giao thông, quá tải du khách đang xảy ra tại những khu, điểm du lịch được đô thị hóa cao như: Sa Pa (Lào Cai), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Đà Lạt (Lâm Đồng)…

Tại Hà Nội, việc phân bố lượng khách du lịch cũng đang không đồng đều, thường tập trung đông ở các quận trung tâm còn ở khu vực ngoại thành khách lại thưa vắng.

Về vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Trương Thế Vinh cho rằng, sự quá tải về lượng khách ở các khu đô thị đặt ra những vấn đề gia tăng giá cả sinh hoạt, các vấn đề xã hội và có tác động tiêu cực đến việc bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ môi trường. Đây là thực trạng xảy ra không chỉ ở các đô thị của Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Giảm tải tác động tiêu cực

Tác động tiêu cực từ áp lực lượng khách lớn tới các đô thị đang đặt ra bài toán tới các địa phương trong việc quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý du lịch.

Tại Hội thảo khoa học “Phát triển du lịch bền vững tại các đô thị Việt Nam - Những vấn đề đặt ra” diễn ra vào đầu tháng 11 vừa qua, PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam cho rằng, để bảo đảm phát triển du lịch bền vững tại các đô thị, Việt Nam cần quan tâm đến chính sách đối với đô thị coi du lịch là mũi nhọn phát triển kinh tế; nâng cao năng lực quản lý về du lịch của chính quyền...

Gợi mở thêm giải pháp phát triển du lịch bền vững cho các đô thị, giảm áp lực lên môi trường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Trương Thế Vinh cho rằng, các địa phương cần ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản trị đô thị, phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh, giãn các khu, điểm du lịch.

Tại Hà Nội, việc quản lý đô thị trong phát triển du lịch, bảo đảm giữ gìn không gian văn hóa, môi trường sống, môi trường sinh thái luôn được quan tâm. Vừa qua, UBND quận Hoàn Kiếm đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp bố trí, sắp xếp các hoạt động tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, hạn chế các hoạt động có tổ chức gian hàng không phù hợp; chỉ cho phép các hoạt động có tổ chức gian hàng liên quan đến hoạt động văn hóa - thể thao, gian hàng có thiết kế bảo đảm thẩm mỹ, không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường và an toàn của người dân, bảo đảm an ninh, an toàn phòng cháy khu vực hồ Hoàn Kiếm. Động thái này của UBND quận Hoàn Kiếm nhằm bảo đảm không gây áp lực về lượng khách quá tải, tiếng ồn, môi trường sống cho hoạt động của khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội.

Hiện nay, thành phố Hà Nội có chủ trương xây dựng những không gian sáng tạo mới có tính trải nghiệm cao, mở rộng các không gian du lịch ra khu vực ngoại thành Hà Nội để giãn lượng khách đang tập trung ở khu trung tâm.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, bên cạnh hoạt động trải nghiệm du lịch di sản ở nội đô, các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp du lịch golf… đang phát triển mạnh ở ngoại thành Hà Nội, sẽ là cơ sở để Hà Nội vừa xây dựng đô thị thông minh, hiện đại vừa phát triển du lịch bền vững, hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy du lịch bền vững tại các đô thị: Giảm tải, bớt tắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.