Chiều 12-12, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp Học viện Chính trị Công an nhân dân tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Vấn đề bảo đảm an ninh tư tưởng ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay”.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi (Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, an ninh tư tưởng là một trong những vấn đề cốt lõi của an ninh chính trị, an ninh quốc gia. Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo đảm an ninh trong lĩnh vực tư tưởng.
Trong đó, tiêu biểu là Nghị quyết số 35-NQ/TƯ ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; Nghị quyết số 51-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia…
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác bảo đảm an ninh tư tưởng ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành công, có nhiều chuyển biến tích cực, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các cấp ủy, tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Qua đó, tạo sức mạnh tổng hợp, thế trận lòng dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo đảm vững chắc an ninh tư tưởng quốc gia.
Đặc biệt, các lực lượng chuyên trách bảo đảm an ninh tư tưởng, nhất là lực lượng Công an nhân dân được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, luôn giữ vững thế chủ động chiến lược về an ninh quốc gia, phát hiện từ sớm, xử lý kịp thời nhiều vấn đề, vụ việc phức tạp về an ninh tư tưởng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, tham gia tích cực vào công tác đấu tranh, phản bác hiệu quả quan điểm sai trái, thù địch..., góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đối với việc bảo đảm an ninh tư tưởng ở Việt Nam trong bối cảnh mới. Trong khi đó, nhận thức và năng lực tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh tư tưởng cũng như phối hợp các lực lượng tham gia ở một số nơi, một số lúc, của một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa thật sự đồng bộ, hiệu quả...
Sau một thời gian chuẩn bị, Ban tổ chức nhận được 101 tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia, đội ngũ cán bộ, giảng viên và các nhà báo.
Các tham luận đề cập đến những vấn đề lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm liên quan đến vấn đề bảo đảm an ninh tư tưởng ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay cũng như đề xuất giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả bảo đảm an ninh tư tưởng ở Việt Nam trong tình hình mới.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ một số nội dung chủ yếu, như: Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; thực trạng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; những vấn đề đặt ra, giải pháp và kiến nghị về nâng cao chất lượng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình hiện nay. Hội thảo cung cấp những luận cứ khoa học hữu ích cho việc bảo đảm an ninh tư tưởng ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Học viện Chính trị Công an nhân dân sẽ phối hợp chắt lọc ý kiến tham luận, góp ý để xây dựng báo cáo kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Công an để tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả hơn nữa vấn đề bảo đảm an ninh tư tưởng.
Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền cho tổ chức nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận, hội thảo, tọa đàm khoa học nhằm luận giải, làm sâu sắc hơn về các vấn đề thuộc phạm trù bảo đảm an ninh quốc gia ở Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.