Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển du lịch bền vững

Quỳnh Anh| 27/03/2023 06:24

(HNM) - Du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng. Phát triển du lịch sẽ góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu cho ngân sách quốc gia, thu hút vốn đầu tư và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tác động tích cực đối với các ngành kinh tế có liên quan.

Ở nước ta, ngành Du lịch luôn được quan tâm, không ngừng phát triển và có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế. Thống kê, trước dịch Covid-19 (năm 2019), tỷ lệ đóng góp vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ngành Du lịch lên đến 9,2%. Năm 2022, tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 23% so với kế hoạch. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam là một trong 3 nước có mức tăng trưởng cao nhất.

Dù đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng nhìn nhận một cách khách quan, hoạt động du lịch ở nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa bền vững, tính cạnh tranh chưa cao. Điều này thể hiện rất rõ, dù là nước mở cửa du lịch từ sớm nhưng tỷ lệ khách quốc tế năm 2022 so với năm 2019 của nước ta thấp hơn các nước trong khu vực. Chỉ số phục hồi du lịch sau dịch Covid-19 mới đạt 18,1%, thấp nhất trong khu vực.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 nhấn mạnh, phát triển du lịch bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Đại hội XIII của Đảng xác định, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế. Đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47-50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14-15% GDP...

Để đạt được những mục tiêu này, đòi hỏi chúng ta phải tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn.

Trong bối cảnh hiện nay, để phục hồi nhanh, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải phát huy tối đa những cái đã làm được, những kinh nghiệm hay bài học quý, những đặc thù rất khác của chúng ta để đi lên. Phát triển du lịch phải được coi là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước…

Trên cơ sở phân tích xu hướng toàn cầu, sự thay đổi nhu cầu của khách du lịch và tiềm năng, lợi thế, khó khăn, thách thức của du lịch Việt Nam, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 nhằm "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển" tổ chức ngày 15-3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: “Coi người dân, doanh nghiệp là chủ thể; khách du lịch là trung tâm; sản phẩm, hạ tầng du lịch là nền tảng; dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực phát triển hoạt động du lịch”.

Việc coi người dân, doanh nghiệp là chủ thể; khách du lịch là trung tâm; sản phẩm, hạ tầng du lịch là nền tảng; dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực phát triển hoạt động du lịch là rất quan trọng, có thể tạo ra những xung lực mới cho ngành Du lịch. Thực tế cho thấy, người dân, doanh nghiệp chính là những chủ thể giúp tạo ra những sản phẩm, dịch vụ du lịch đa dạng, làm nên sức hấp dẫn của điểm đến với những dấu ấn mang tính bản sắc địa phương. Cơ sở hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch đặc sắc, dịch vụ tiên tiến, hiện đại chính là nền tảng để du lịch cất cánh. Do đó, các cơ quan liên quan cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững, đúng pháp luật; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu, nâng cao năng lực kinh doanh và chất lượng sản phẩm dịch vụ, phù hợp với nhu cầu và biến động của thị trường du lịch...

Đặc biệt cần đẩy mạnh hợp tác công - tư, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới...

Nước ta có hệ thống chính trị ổn định; thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, đa dạng, phong phú; sở hữu vinh Hạ Long - một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, 3 di sản thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; hơn 41 nghìn di tích, danh lam, thắng cảnh; sản vật phong phú, mặt bằng giá cả thấp hơn so với khu vực… Khi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp chung tay phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch; người dân, doanh nghiệp trở thành chủ thể; khách du lịch là trung tâm, chắc chắn du lịch nước ta sẽ phát triển bền vững, đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế đất nước. Đồng thời, đưa “Việt Nam vào nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu” như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.