Năm 2023, du lịch Việt Nam đã vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra khi đón 12,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, gấp 3,4 lần so với năm 2022. Thành quả này là nỗ lực chung của du lịch cả nước, trong đó có đóng góp không nhỏ của Cụm Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Ngày 12-1, tại Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Cụm đã đưa ra các kế hoạch hành động mới, trong đó chú trọng tăng cường hợp tác, liên kết vùng để du lịch có sự bứt phá ngoạn mục và phát triển bền vững hơn trong năm mới.
Du lịch phía Bắc khởi sắc
Năm 2023, du lịch các tỉnh phía Bắc có sự khởi sắc, phát triển mạnh mẽ. Nhiều điểm đến ở phía Bắc liên tiếp được vinh danh những giải thưởng du lịch lớn của Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới. Điển hình như Hà Nội - Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á, Hà Nội - Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày; Hà Giang - Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á; Hà Nam - Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á; Mộc Châu - Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á; Vườn quốc gia Cúc Phương - Công viên quốc gia hàng đầu châu Á, Tam Đảo - Thị trấn du lịch hàng đầu châu Á…
Bên cạnh đó, truyền thông quốc tế cũng vinh danh nhiều địa phương như: Vịnh Hạ Long - Điểm đến ngắm bình minh và hoàng hôn ngoạn mục nhất (Tạp chí Travel Leisure, Mỹ), Hà Nội - Điểm đến đẹp nhất Đông Nam Á (Tạp chí The Travel, Canada), Ninh Bình - Điểm đến tuyệt vời nhất 2023 (Tạp chí Forbes, Mỹ)…
Đánh giá hiệu quả chính sách phát triển du lịch thời gian qua, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định, đóng góp chung vào sự phát triển du lịch cả nước, các tỉnh khu vực phía Bắc đã có sự liên kết hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm mới, thu hút lượng khách tham quan, lưu trú dài hơn.
Thực tế, thị trường du lịch phía Bắc có sự phát triển mạnh mẽ kể từ sau dịch Covid-19, đặc biệt là trong năm 2023. Cụm trưởng Cụm Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản cho biết, năm 2023, Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc đã phối hợp tổ chức nhiều chương trình khảo sát, xây dựng sản phẩm như: Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh vùng Đông Bắc với du lịch thành phố Hồ Chí Minh; Hiệp hội Du lịch các tỉnh duyên hải phía Bắc gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình tổ chức khảo sát sản phẩm tại tỉnh Bình Định - Phú Yên và tổ chức đoàn doanh nghiệp lữ hành xúc tiến thị trường tại Lào…
Từ những chuyến khảo sát, nhiều sản phẩm du lịch mới được hình thành trở thành “đặc sản” cho các địa phương, một số tuyến du lịch được xây dựng, tạo thành những mắt xích bền chặt để gia tăng lượng khách.
Nâng cao chất lượng sản phẩm liên kết
Sự bứt tốc của du lịch các tỉnh phía Bắc đã và đang góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của du lịch Việt Nam. Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, năm 2023, doanh thu từ lữ hành ước đạt 37,8 nghìn tỷ đồng, tăng 52,5% so với năm 2022. Điều này cho thấy hiệu quả của những chính sách kích cầu của các tỉnh, thành phố, trong đó du lịch miền Bắc đóng góp không nhỏ. Bằng chứng là nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc luôn trong nhóm dẫn đầu về lượng khách và doanh thu trong năm 2023 của cả nước như: Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình...
Mặc dù đang có sự bứt tốc mạnh mẽ, nhưng theo nhận định của các chuyên gia du lịch, trong bức tranh chung của du lịch Việt Nam, hoạt động du lịch của các tỉnh phía Bắc còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Tại Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Cụm Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc, ông Nguyễn Mạnh Thản nhìn nhận, Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố tuy đã có liên kết hành động nhưng vẫn chưa khai thác hết các thế mạnh của các hiệp hội thành viên, chưa có nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể, hiệu quả để kết nối sâu, rộng giữa các doanh nghiệp. Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định, sau dịch Covid-19, sự liên minh lỏng lẻo hơn thời kỳ trong dịch, dẫn đến nhiều sản phẩm được hình thành nhưng không duy trì lâu dài được.
Để tăng hiệu quả trong hoạt động liên minh, liên kết, góp phần phát triển du lịch mạnh mẽ hơn trong năm 2024, ông Vũ Thế Bình cho rằng, các địa phương cần gắn hoạt động quảng bá du lịch trong các sự kiện văn hóa, thể thao, kinh tế; tăng cường liên kết khai thác những sản phẩm du lịch mới như du lịch golf, du lịch MICE (du lịch kết hợp tổ chức sự kiện), du lịch văn hóa và sinh thái nghỉ dưỡng.
Ở góc độ địa phương, theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình Dương Thị Thanh, việc liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố cần được duy trì thường xuyên, trong đó Thủ đô Hà Nội đóng vai trò là trung tâm du lịch lớn với lượng khách dồi dào cần thường xuyên có sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch di sản liên kết với những vùng di sản khác như Ninh Bình, Hạ Long (Quảng Ninh)…
Với vai trò là Cụm trưởng Cụm Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc, Hiệp hội Du lịch Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phát triển trong năm 2024. Ông Nguyễn Mạnh Thản cho biết, thời gian tới, ngoài các hoạt động khảo sát, xây dựng sản phẩm mới, Hiệp hội Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường hoạt động quảng bá, kích cầu du lịch trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2024; đẩy mạnh chuyển đổi số, đa dạng các hình thức truyền thông trên các nền tảng số, website, mạng xã hội (YouTube, Facebook, TikTok, Instagram…).
Bên cạnh đó, Cụm Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc sẽ cùng nhau đẩy mạnh hợp tác với các hãng hàng không trong nước và quốc tế để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, tổ chức các đoàn famtrip một cách chuyên nghiệp, hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.