(HNM) - Nhiều năm qua, việc xây dựng hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung và sân khấu biểu diễn nói riêng luôn là mạch nguồn khai thác, sáng tạo vô tận của lớp lớp các thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam. Mỗi tác phẩm thể hiện hình tượng của Người được dàn dựng và công chiếu đều có sức cuốn hút đối với nhiều khán giả.
Thực tế cho thấy, hầu hết các vở diễn, chương trình nghệ thuật xây dựng hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được công chiếu đều là những câu chuyện chân thật, gần gũi, nêu bật được tư tưởng, những phẩm chất cao đẹp và tấm gương đạo đức trong sáng của Người, đặc biệt là lòng yêu nước, thương dân vô bờ bến… Song, làm thế nào để đưa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tác động sâu, rộng đến tâm tư, tình cảm, đi vào cuộc sống thường nhật của nhân dân; hình tượng của Người được thể hiện sống động và gần gũi hơn trên sân khấu, đáp ứng lòng mong đợi khán giả... vẫn luôn là trăn trở của các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên sân khấu.
Tuy đã gặt hái được nhiều thành công khi thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu, để lại những ấn tượng mạnh trong lòng công chúng, song không ít nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên đều cho rằng việc thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu là một thách thức lớn. Bởi, sân khấu hóa, khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại lại giản dị, gần gũi, vừa có tư tưởng thời đại, vừa thấm đẫm tinh thần dân tộc đòi hỏi giới nghệ sĩ phải có những kịch bản sáng tạo, các thủ pháp nghệ thuật, hình thức thể hiện tinh tế…
Để xây dựng được nhiều hơn nữa tác phẩm về Bác Hồ, hấp dẫn khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, từ đó lan tỏa tới mỗi người dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đòi hỏi các nhà biên kịch, nhất là nhà biên kịch trẻ phải tích cực đọc các tác phẩm của Bác, các tài liệu viết về Người, học hỏi kinh nghiệm của lớp người đi trước.
Với đội ngũ diễn viên phải không ngừng học hỏi kinh nghiệm, trau dồi, rèn luyện kỹ năng diễn xuất… để có thể hóa thân vào vai diễn, tạo dựng được hình tượng Bác Hồ gần gũi, bao dung, giản dị trên sân khấu. Đặc biệt, phải làm nổi bật được những phẩm chất cao đẹp, tầm vóc vĩ đại của Người, tạo sức hấp dẫn đối với công chúng.
Bản thân mỗi đơn vị biểu diễn cũng phải thường xuyên cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tác phẩm… Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, các đơn vị biểu diễn cần tổ chức biểu diễn các tác phẩm xây dựng hình tượng Bác cả trực tiếp và trực tuyến trên các nền tảng số để đông đảo công chúng được tiếp cận.
Bên cạnh nỗ lực của giới nghệ sĩ, những đơn vị sân khấu, các ngành chức năng cần tổ chức nhiều hơn trại sáng tác, đi thực tế các địa chỉ đỏ nơi Bác từng sống, làm việc, để các tác giả có thêm tư liệu thực tế, hiểu sâu hơn về cả cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng tác phẩm. Cùng với đó, quan tâm đầu tư kinh phí cho các sân khấu khi thực hiện các dự án, vở diễn, chương trình nghệ thuật xây dựng hình tượng Bác Hồ.
Nối tiếp nguồn cảm hứng vô tận về Người, tin tưởng rằng các đơn vị biểu diễn sẽ không ngừng đổi mới trong việc dàn dựng, công chiếu những vở diễn, chương trình nghệ thuật thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu. Qua đó, truyền tải tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người tới công chúng để mỗi người thêm thấm thía, học và làm theo Bác một cách tự giác, hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.