Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để doanh nghiệp ngại kiện ra tòa

Hà Phong| 13/12/2018 07:25

(HNM) - Trong bối cảnh quy định pháp luật lĩnh vực hợp đồng còn nhiều kẽ hở, thời gian giải quyết tranh chấp kéo dài, chi phí lớn, một bộ phận doanh nghiệp có xu hướng giải quyết tranh chấp thông qua “xã hội đen” vì… ngại kiện ra tòa.


Luật sư Phạm Liêm Chính, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính và Cộng sự đánh giá, quan hệ thương mại và đầu tư của Việt Nam với các đối tác trong và ngoài nước ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Song song với đó, các vấn đề pháp lý nảy sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng ngày càng tăng, nhất là với các đối tác nước ngoài.

Thực tế đã từng xảy ra trường hợp Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội không thi hành được yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài của Hội đồng Trọng tài - Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) vì xác định chưa có điều kiện thi hành án. Nguyên do kết quả ủy thác tư pháp tại Nhật Bản không xác minh được địa chỉ của bên bị thi hành.

Trước đó, phải kể tới vụ Công ty cổ phần Mía đường Tây Ninh ký hợp đồng với đối tác Trung Quốc. Khi ký hợp đồng, doanh nghiệp này không tìm hiểu kỹ thông tin, giao dịch thông qua một đại diện ủy quyền của đối tác Trung Quốc tại Việt Nam. Khi đối tác Trung Quốc nợ doanh nghiệp hơn 50 tỷ đồng dẫn đến tranh chấp, doanh nghiệp Việt Nam mới nghĩ đến việc xác minh lý lịch và năng lực của công ty Trung Quốc thì phát hiện công ty này… không tồn tại. Hậu quả là người đứng đầu Công ty cổ phần Mía đường Tây Ninh phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo thống kê của VIAC, đến nay, trung tâm đã tiếp nhận hơn 1.500 vụ kiện, trong đó hơn 50% số vụ liên quan đến hợp đồng xuất, nhập khẩu hàng hóa. Thiếu kỹ năng xử lý, thời gian giải quyết xong tranh chấp hợp đồng của nước ta trung bình là 400 ngày, chi phí bằng 29% giá trị hợp đồng khiến doanh nghiệp Việt Nam như “rơi vào ma trận” khi có sự cố xảy ra. Vì vậy, theo báo cáo mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện khi có tranh chấp với đối tác đang giảm dần theo từng năm. Trong trường hợp không khởi kiện, giải quyết thông qua trọng tài thương mại, các doanh nghiệp buộc phải sử dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp khác như nhờ cán bộ nhà nước tác động, đưa ra báo chí, thậm chí là sử dụng "xã hội đen"...

Cũng theo báo cáo của VCCI, qua khảo sát các doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh trong vài năm trở lại đây có sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, mức độ cải thiện chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, các địa phương. Trong 11 lĩnh vực, 2 lĩnh vực được đánh giá tốt nhất là thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng. Các lĩnh vực về thủ tục xuất, nhập khẩu, bảo vệ nhà đầu tư và phá sản doanh nghiệp được xem là không có cải thiện đáng kể. Đáng lưu ý, về cắt giảm điều kiện kinh doanh, theo đánh giá của VCCI, mặc dù hầu hết các bộ đều thực hiện nhiệm vụ này và đều có những con số về tỷ lệ cắt giảm nhưng mức độ thực chất của việc cắt giảm không đồng đều giữa các lĩnh vực khác nhau của cùng một bộ. Từ góc độ của doanh nghiệp, việc phải xin các giấy phép con vẫn diễn ra phổ biến và gặp nhiều khó khăn.

Trong khi chờ đợi cơ quan chức năng lấp những lỗ hổng về pháp luật hợp đồng kinh doanh thương mại và các thủ tục hành chính liên quan, giải pháp tốt nhất cho doanh nghiệp là trong quá trình xác lập và ký kết hợp đồng nên nhờ cậy đội ngũ cán bộ pháp chế và chuyên gia tư vấn ngay từ đầu nhằm hiểu rõ về chủ thể ký hợp đồng, nội dung điều khoản, hiệu lực, lợi ích cốt lõi của mình trong hợp đồng, về nghĩa vụ trách nhiệm, từng nội dung thỏa thuận liệu có xảy ra tranh chấp hay không? Trong trường hợp xảy ra khiếu kiện sẽ giải quyết thế nào?...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để doanh nghiệp ngại kiện ra tòa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.