(HNM) - Cùng với tắc đường, kẹt xe thì năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày gần Tết Nguyên đán, tình trạng quá tải các cây ATM, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi có nhiều công nhân làm việc lại xảy ra.
Ghi nhận những ngày qua trên địa bàn Hà Nội cũng như các thành phố lớn trên cả nước cho thấy, chỉ xảy ra tình trạng xếp hàng cục bộ tại một số ATM nơi tập trung nhiều công nhân làm việc. Rút kinh nghiệm từ nhiều năm qua, ngay trong quý IV-2018, các ngân hàng thương mại đã chủ động xây dựng, triển khai các phương án cung ứng tiền mặt, hạn chế sự tắc nghẽn tại các điểm đặt máy ATM dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Thế nhưng, không ai dám chắc tình trạng nghẽn hoặc ATM hỏng hay hết tiền… sẽ không thể xảy ra, bởi nhiều người dân có thói quen sát Tết mới rút tiền để chi tiêu, trong khi nhiều doanh nghiệp muốn giữ chân người lao động nên chỉ chi thưởng vào những ngày cuối cùng của năm.
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, đến nay cả nước có 147,3 triệu thẻ ATM được phát hành. Nếu so với bình quân các nước trong khu vực, số lượng máy ATM, máy POS (máy chấp nhận thanh toán bằng thẻ) và hạ tầng thanh toán ở Việt Nam không hề thua kém. Thế nhưng, vì sao năm nào vào dịp lễ tết, ngành Ngân hàng vẫn phải lo chống nghẽn ATM?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song chủ yếu do thói quen sử dụng tiền mặt. Với hầu hết người dân, ATM được coi là ví tiền di động. Việc sử dụng tiền mặt để thanh toán mọi chi phí hằng ngày không chỉ gây khó khăn cho những người sử dụng vào dịp cao điểm, mà còn khiến chi phí in ấn, kiểm đếm, vận chuyên, lưu kho… của ngân hàng rất lớn. Không những thế, thói quen sử dụng tiền mặt còn làm cho nhiều dịch vụ tiện ích của thẻ ATM bị lãng phí, hệ thống ATM của ngân hàng thì “đến hẹn lãi nghẽn”.
Năm nay, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán khá dài, nhu cầu chi tiêu trong xã hội càng tăng cao. Để không xảy ra tình trạng nghẽn ATM, ngoài việc chuẩn bị nguồn nhân lực, tiền mặt và tăng tần suất tiếp quỹ cho các cây ATM, các ngân hàng đã chủ động thương thảo với doanh nghiệp chuyển bảng chi lương, thưởng sớm cho ngân hàng để có thể lập bàn chi trả ngay tại doanh nghiệp. Ngoài ra, các ngân hàng cần có phương án dự phòng khi đặt các máy POS tại doanh nghiệp để nhân viên ngân hàng quẹt thẻ cho công nhân và chi trả tiền mặt tại chỗ; tăng cường ATM lưu động phục vụ tại các địa bàn xảy ra hiện tượng quá tải... Về phía người dân, cần sắp xếp thời gian rút tiền sớm, tránh vào sát Tết; nên chọn ATM gần các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng để có thể được hỗ trợ trong trường hợp bị máy nuốt thẻ, hoặc không thể rút được từ cây ATM…
Thế nhưng, đây vẫn chỉ là những giải pháp tình thế trước mắt. Để giảm tải tình trạng nghẽn ATM một cách lâu dài, bền vững thì việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt cần được quan tâm hơn. Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến cuối năm 2020, giảm tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán xuống dưới 10%. Hy vọng khi đó sẽ không còn cảnh các ngân hàng mướt mồ hôi chống nghẽn ATM mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.