(HNMCT) - Cả nước bắt đầu bước vào đợt nghỉ lễ kéo dài 5 ngày. Cũng như mọi năm, dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 này là mốc đánh dấu cho một mùa du lịch hè diễn ra sôi động trên cả nước.
Nhiều gia đình đã, đang sẵn sàng cho các chuyến du lịch nhằm xả stress sau một thời gian dài làm việc vất vả, đặc biệt là chưa thể thỏa mãn đam mê “bay nhảy” trong khoảng thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành. Háo hức chờ đón, đó không chỉ là tâm lý của người dân mà còn của cả chính quyền địa phương có các điểm đến du lịch nhằm tận dụng tối đa cơ hội kích cầu tiêu dùng, khôi phục nền kinh tế có phần ảm đạm trong quý I.
Chắc chắn không chỉ ngành Du lịch mà chính quyền các địa phương đều đã xây dựng kế hoạch, kịch bản hết sức chi tiết để tạo ấn tượng mạnh đối với du khách. Trong đó, một vấn đề được đặc biệt quan tâm là giữ gìn an ninh, trật tự, xử lý vấn nạn “chặt chém” du khách. Thế nhưng, thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng những ngày qua cho biết, ngay trong đêm kỷ niệm 60 năm thành lập đô thị Sầm Sơn (Thanh Hóa) và khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2023 (diễn ra đêm 22-4), lợi dụng tình trạng chật chội, chen chúc, kẻ xấu đã thực hiện một số vụ cướp giật, móc túi tại khu vực quảng trường biển Sầm Sơn. Lực lượng chức năng đã tạm giữ một số đối tượng, tiến hành điều tra, xử lý nghiêm hành vi đáng lên án này. Những lời khuyến cáo cũng đã được đưa ra với du khách khi tham gia các hoạt động tại nơi đông người, trong đó quan trọng nhất là vẫn phải chủ động cảnh giác và thông báo kịp thời, hợp tác chặt chẽ với lực lượng chức năng.
Dù chỉ là những vụ việc cá biệt, nhưng đây thực sự là hồi chuông cảnh báo không chỉ tại Sầm Sơn mà còn ở các điểm du lịch khác trong những ngày du lịch hè sắp tới, bởi lẽ, trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, nhiều người mất việc làm, nguy cơ trộm cắp, móc túi có thể gia tăng. Không những vậy, trong hoàn cảnh khó khăn, vì doanh thu, lợi nhuận, nạn “chặt chém” du khách - điều đã xảy ra không ít trong các mùa du lịch trước đây - cũng có thể xảy ra với mức cao hơn.
Nói tới vấn nạn này, chắc nhiều người nhớ tới các “hóa đơn” ăn uống hay những cuốc xe taxi có “giá trên trời” từng xảy ra không chỉ tại các điểm du lịch mà ngay ở thành phố lớn. Tuy những vụ việc nói trên là cá biệt và phần lớn đều đã được các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm minh, nhưng hành vi “chặt chém” đã để lại ấn tượng rất xấu cho du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Sự phát triển của mạng xã hội dễ khiến “tiếng dữ đồn xa”, làm lem luốc hình ảnh du lịch không chỉ của địa phương mà cả quốc gia.
Giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm môi trường du lịch, kinh doanh lành mạnh là trách nhiệm của các cơ quan chức năng và chính quyền mỗi địa phương. Càng trong hoàn cảnh khó khăn chúng ta càng phải thực hiện công tác này quyết liệt, hiệu quả hơn để kích cầu du lịch, kích cầu tiêu dùng, thu hút đầu tư. Cụ thể, đối với các cơ sở du lịch, cần kiểm tra, rà soát, bảo đảm chất lượng cơ sở vật chất, kỹ thuật, dịch vụ; đào tạo kỹ năng phục vụ bài bản, chuyên nghiệp cho nhân viên để hạn chế những hành vi “làm phiền” du khách. Các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm, đặc biệt là các hành vi không niêm yết giá công khai, bán không đúng giá niêm yết, “treo đầu dê, bán thịt chó”, chèo kéo, ép khách du lịch vào dịp cao điểm…
Tại các điểm du lịch, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, cắm biển báo chỉ dẫn ở vị trí thuận lợi, dễ quan sát cho du khách, đồng thời có đường dây nóng, lực lượng hỗ trợ kịp thời, hiệu quả để tiếp nhận, hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc phát sinh… Cần phải kiên quyết xử lý hành vi vi phạm, không để “con sâu làm rầu nồi canh”!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.