Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không đáng lo ngại

Hà Hiền| 03/10/2018 06:59

(HNM) - Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam vừa công bố cho thấy, thị trường lao động, việc làm đang tồn tại một số bất cập, hạn chế. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, những bất cập này có thể được khắc phục và nhìn chung, tình hình không đáng lo ngại.

Người lao động tìm việc tại một hội chợ việc làm dành cho thanh niên năm 2018. Ảnh: Sơn Hà


- Dưới góc nhìn khoa học, ông đánh giá như thế nào về thị trường lao động Việt Nam hiện nay?

- Nhìn vào thị trường lao động, việc làm hiện nay, chúng ta thấy nhiều tín hiệu khởi sắc. Với lực lượng lao động lên tới 55,12 triệu người, Việt Nam đang có nguồn nhân lực dồi dào phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu lao động đang chuyển dịch từ những ngành có năng suất thấp như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản… sang những ngành có năng suất cao hơn. Lực lượng lao động qua đào tạo tăng nhanh ở nhóm có trình độ cao đẳng, đại học, nâng tổng số lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ lên hơn 12 triệu người (gần 22% tổng số lao động trong độ tuổi). Tỷ lệ lao động thất nghiệp giảm xuống còn 2,29% (tương đương với hơn 1,06 triệu người), thuộc nhóm thấp trong khu vực.

Số người thất nghiệp có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên giảm nhanh, phần nào chứng tỏ nền kinh tế đã và đang tạo ra những vị trí công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp cũng như xu hướng phát triển của thị trường.

- Thị trường lao động, việc làm có chuyển biến tích cực, vậy tại sao tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên tăng, thu nhập của lao động hưởng lương có xu hướng giảm?


- Nhiều năm qua, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên thường ở mức hơn 7%, cao hơn các nhóm khác. Hiện tại, cả nước còn hơn 511.000 thanh niên thất nghiệp, bằng 7,1% tổng số lao động độ tuổi thanh niên, bằng 48,16% tổng số lao động thất nghiệp. Vấn đề này không khó lý giải, bởi thanh niên là nhóm vừa bước vào độ tuổi lao động, vừa tốt nghiệp các trường phổ thông, trường nghề, trường đại học nên cần có thời gian tìm việc làm, làm quen với công việc hoặc chưa sẵn sàng đi làm ngay. Lý do khác là do chất lượng đào tạo có chỗ, có nơi chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên ở nước ta vẫn thuộc nhóm thấp, có thể giải quyết từng bước bằng nhiều giải pháp.

Thông tin khác khiến nhiều người băn khoăn là số người hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều hơn số người mới tham gia bảo hiểm xã hội. Trên thực tế, lao động nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp không có nghĩa là họ rời khỏi chính sách bảo hiểm xã hội, nên không gây ảnh hưởng nhiều tới mục tiêu mở rộng đối tượng, tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội. Người lao động bị mất việc làm là điều xảy ra ở mọi quốc gia, mọi nền kinh tế và theo quy luật, việc làm này mất đi thì việc làm khác sẽ xuất hiện. Số lượng lao động thất nghiệp ở nước ta đang giảm dần là minh chứng rõ nhất cho điều này.

Thu nhập của lao động làm công hưởng lương giảm nhẹ so với những tháng cuối năm 2017, đầu năm 2018, vấn đề này cũng không khó lý giải. Bởi vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, đa số người lao động nhận được tiền lương, tiền thưởng Tết hoặc có thêm tiền làm thêm giờ, nên thu nhập cao hơn những tháng khác trong năm.

- Theo ông, các bên liên quan cần làm gì để giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao chất lượng lao động, việc làm?

- Tôi cho rằng, để có nguồn nhân lực chất lượng cao, thị trường lao động, việc làm phong phú, dồi dào, các cơ quan chức năng cần thực hiện giải pháp đồng bộ. Ngoài giải pháp vĩ mô, các cơ quan, đơn vị, trường học nên tích cực phát động phong trào khởi nghiệp, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề… Công tác hướng nghiệp cho học sinh nên được tiến hành từ bậc trung học cơ sở, giúp học sinh hiểu rõ nhu cầu của thị trường, năng lực của bản thân, từ đó chủ động lựa chọn ngành nghề, công việc phù hợp trong tương lai. Các doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, góp phần tạo ra nhiều việc làm mới. Đặc biệt, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ, đa chiều…

Cùng với kiến thức, kỹ năng nghề, lao động trẻ nên chủ động trang bị cho mình vốn ngoại ngữ, tin học, kiến thức xã hội, khả năng làm việc theo nhóm, học hỏi cách thức giao tiếp, ứng xử văn minh, hiện đại.

- Ông có thể đưa ra dự báo về thị trường lao động, việc làm trong những tháng cuối năm 2018?

- Dự báo, số lao động có việc làm trong những tháng cuối năm 2018 sẽ tăng hơn 200.000 người, nâng tổng số lao động có việc làm lên 54,26 triệu người. Nhu cầu sử dụng lao động tăng ở ngành sản xuất đồ uống, sản xuất các sản phẩm từ cao su, dệt, in, sao chép bản ghi các loại, thoát nước và xử lý nước thải… Nhu cầu sử dụng lao động tiếp tục giảm ở ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên; sản xuất xe có động cơ; sản xuất than cốc; dầu mỏ tinh chế… Nhìn chung, thị trường lao động, việc làm dịp cuối năm 2018 không đáng lo ngại và sẽ có nhiều điểm sáng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không đáng lo ngại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.