(HNMO) - Ngày 15-2, tại cuộc họp đánh giá kết quả công tác phát triển điện lực năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong năm 2022, tiến độ khởi công và hoàn thành xây mới các công trình 110kV, 220kV, 500kV trên địa bàn đã cải thiện hơn so với các năm trước nhưng vẫn chưa đạt được kỳ vọng, tỷ lệ khởi công đạt 46,67% và tỷ lệ hoàn thành đạt 60,7%.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên vẫn là do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Mặc dù trong năm 2022, các cơ quan, đơn vị và các chủ đầu tư công trình điện đã có nhiều nỗ lực nhưng chưa thực sự hiệu quả; tại nhiều nơi, người dân vẫn chưa đồng thuận với đơn giá bồi thường, hỗ trợ hoặc do cơ chế chính sách theo khung quy định chưa giải quyết được hết nguyện vọng của người dân dẫn đến quá trình bàn giao mặt bằng thi công còn bị chậm, ảnh hưởng đến tiến độ chung của công trình điện. Tại một số công trình, các chủ đầu tư chưa chủ động các bước chuẩn bị đầu tư, đến khi bắt đầu triển khai thì gặp vướng mắc, khó khăn khiến kéo dài thời gian hơn so với kế hoạch.
Việc phát triển lưới điện cũng gặp một số khó khăn liên quan đến thỏa thuận vị trí và hướng tuyến, nhất là tại các quận nội thành do hạn chế về quỹ đất, chưa thống nhất giữa các quy hoạch nên phải chờ điều chỉnh cục bộ; ngành Điện dù đã rất nỗ lực huy động vốn nhưng nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế nên chưa thể thỏa mãn hết nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cho các mục đích sử dụng điện khác nhau. Thời gian thi công các công trình điện 220kV, 500kV thường kéo dài do khối lượng trang thiết bị, vật tư lắp đặt nhiều trường hợp phụ thuộc tiến độ nhập hàng, yêu cầu kỹ thuật thi công phức tạp hơn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.