Điểm nóng

Ukraine phải dựa vào các nước láng giềng để duy trì nguồn điện

Kim Phượng 11/07/2024 - 17:16

Do các cuộc không kích liên tiếp của Nga, Ukraine đang phụ thuộc vào các nước láng giềng để duy trì nguồn điện, AFP ngày 11-7 cho biết.

luoi-dien.jpg
Nga đã tăng cường tấn công vào ngành điện của Ukraine. Ảnh: Genya Savilov

Những tuần gần đây, Ukraine đã phải áp dụng biện pháp hạn chế tiêu thụ và cắt điện luân phiên sau khi Nga tăng cường tấn công vào các nhà máy điện và đường dây truyền tải điện của nước này.

May mắn, Ukraine đã được kết nối với lưới điện châu Âu chỉ vài giờ trước khi cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 2-2022. Kế hoạch kết nối này được chuẩn bị từ năm 2017, được coi như một cuộc thử nghiệm ngắn về khả năng tự hoạt động, đòi hỏi phải ngắt kết nối với lưới điện của Nga.

Hiện lượng điện nhập khẩu của Ukraine từ các nước láng giềng Hungary, Moldova, Ba Lan, Romania và Slovakia đã tăng đều đặn trong nhiều tháng do các cuộc tấn công của Nga vào hệ thống điện của nước này ngày càng tăng.

Theo Công ty tư vấn ExPro, có trụ sở tại Kiev, vào tháng 6, lượng nhập khẩu đạt 858,3 GWh, tăng 91% so với tháng 5. Hungary đứng đầu trong tháng 6 với gần 42% tổng lượng điện.

Nhà điều hành lưới điện Slovakia SEPS cho biết, nước này đã tăng lượng điện xuất khẩu sang Ukraine từ 2,6 GWh trong cả năm 2023 lên gần 40 GWh trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5-2024.

Việc nhập khẩu dựa trên các thỏa thuận song phương đã giúp Ukraine hạn chế tình trạng cắt điện vào một số giờ nhất định trong ngày.

Trong khi đó, sản lượng điện trong nước của Ukraine đang giảm mạnh. Nhóm nghiên cứu Green Deal Ukraine cho biết, nước này sản xuất được 96.800 GWh điện vào năm 2023, giảm so với mức 103.800 GWh vào năm 2022. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, vào năm 2021, trước cuộc xung đột, Ukraine đã sản xuất gần 158.000 GWh.

Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu (CEPA), có trụ sở tại Mỹ, đã trích dẫn lời nhà phân tích Maciej Bukowski nhận định, nguồn cung đang giảm dần "làm xói mòn khả năng phòng thủ của Ukraine và đe dọa trực tiếp đến an ninh của nước này".

Nga phủ nhận lực lượng của mình nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự, nhưng Bộ Quốc phòng nước này đã tuyên bố thực hiện các cuộc tấn công trả đũa vào các địa điểm năng lượng mà họ cho là hỗ trợ cho quân đội Ukraine.

Ukraine cũng nhận được viện trợ tài chính và thiết bị năng lượng đáng kể từ các đồng minh trên toàn thế giới. Đức đã cung cấp hơn 450 triệu USD cho Ukraine kể từ tháng 2-2022 để thúc đẩy ngành năng lượng, tài trợ sửa chữa cơ sở hạ tầng và chuyển đổi sang năng lượng xanh.

Trong khi đó, Cộng hòa Séc đã vận chuyển hàng chục đơn vị đồng phát điện, sản xuất điện và nhiệt từ khí đốt. Bộ Bảo vệ khí hậu của Áo điều hành một quỹ trị giá hàng triệu euro để giúp Ukraine xây dựng lại hệ thống năng lượng và mua các thiết bị như máy phát điện.

Bulgaria đang đàm phán với Ukraine để bán hai lò phản ứng hạt nhân do Nga sản xuất với giá ưu đãi nhằm giúp nước này đổi mới cơ sở hạ tầng năng lượng.

Các nước châu Âu khác bao gồm Hà Lan, Ba Lan và Thụy Điển cũng đã vận chuyển thiết bị đến Ukraine, trong khi Na Uy đã cung cấp hỗ trợ tài chính đáng kể.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, thiệt hại của ngành năng lượng Ukraine lên tới 12 tỷ USD vào cuối năm 2023, rất lâu trước khi Nga đẩy mạnh các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ukraine phải dựa vào các nước láng giềng để duy trì nguồn điện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.