Ngoài thiệt hại nặng nề về người, bão số 3 đã gây tổn thất lớn về tài sản của người dân và doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, ngành Thuế vận dụng chính sách sẵn có về gia hạn thuế, miễn, giảm thuế để thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp thiệt hại do bão. Theo các chuyên gia, chính sách này là sự hỗ trợ kịp thời giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.
Chính sách sẵn có
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, ước tính sơ bộ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 (bão Yagi) gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng, trong đó, có khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại… Ảnh hưởng từ bão số 3 dự báo tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024. Tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III-2024 có thể giảm 0,35%; quý IV-2024 giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3.
Trong bối cảnh doanh nghiệp và người dân bị thiệt hại nặng do bão, ngành Thuế đã hướng dẫn áp dụng các chính sách hỗ trợ về thuế tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 trong trường hợp bất khả kháng bị thiệt hai vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ.
Theo đó, người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 3 gây ra có thể được gia hạn thuế 1-2 năm. Ngoài việc gia hạn, doanh nghiệp bị thiệt hại còn được hưởng nhiều ưu đãi khác như đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế giá trị gia tăng đầu vào không được bồi thường của hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng bị tổn thất; doanh nghiệp có chi phí liên quan đến phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Bên cạnh đó, về thuế thu nhập cá nhân, đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế, được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp. Người nộp thuế bị thiệt hại còn có thể được miễn, giảm về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế tài nguyên…
Để được hưởng các ưu đãi thuế này, người nộp thuế cần có văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ chứng minh thiệt hại vật chất, cơ quan thuế sẽ xem xét hồ sơ và giải quyết trong vòng 10 ngày làm việc.
Cần thực hiện kịp thời
Tiến sĩ Phạm Thu Hằng, Phó trưởng Bộ môn Kinh tế học (Học viện Ngân hàng) cho rằng, bão số 3 gây nhiều thiệt hại về người và tài sản tại các tỉnh phía Bắc. Ngành Thuế đã vận dụng chính sách có sẵn để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Đây là giải pháp kịp thời giúp doanh nghiệp vơi bớt khó khăn, sớm phục hồi.
Tuy nhiên, để chính sách thực sự phát huy hiệu quả, việc triển khai như thế nào là điều cần quan tâm. Theo các chuyên gia, nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng là nguyên tắc hỗ trợ mang lại hiệu quả. Việc kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế và chính quyền các địa phương là vô cùng quan trọng.
“Cùng với việc hỗ trợ về thuế thì cần ưu tiên hỗ trợ về tài chính, phương thức sản xuất, đầu vào sản xuất, như cây, con giống, vận tải… cho hoạt động sản xuất và cả thị trường cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cần có sự cân nhắc và lựa chọn hợp lý giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và mục tiêu dân sinh để bảo đảm vừa khôi phục được tăng trưởng kinh tế vừa tái thiết và nâng cao chất lượng đời sống dân cư”, Tiến sĩ Phạm Thu Hằng đề xuất.
Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Gia Lâm Mai Đức Chung chia sẻ, chưa khi nào chứng kiến cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp như bão số 3. Bão đã gây thiệt hại nhiều tỷ đồng đối với cộng đồng doanh nghiệp huyện Gia Lâm. Thống kê sơ bộ, đã có 8 doanh nghiệp báo cáo với hội về thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ gây ra. Nhiều doanh nghiệp thiệt hại từ 1 đến hơn 5 tỷ đồng.
“Chúng tôi rất vui khi biết có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai. Điều đáng mừng là so với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, chính sách gia hạn thuế kéo dài hơn, từ 1 đến 2 năm, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp được hỗ trợ dài hơi hơn. Trong bối cảnh khó khăn, việc hỗ trợ dù ít hay nhiều đều rất quý báu, góp phần giúp doanh nghiệp sớm vực dậy”, ông Mai Đức Chung nói.
Hiện nay, đơn vị thuế các cấp cùng hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng đang thông tin và đốc thúc các doanh nghiệp tìm hiểu cụ thể về các chính sách trên, từ đó nhanh chóng làm các thủ tục cần thiết để được hỗ trợ. Ông Mai Đức Chung cho rằng, các chính sách cần được thực hiện khẩn trương với thủ tục nhanh gọn để sớm và thực sự đi vào cuộc sống.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định Nguyễn Văn Hiến:
Thực hiện "3 đúng" để mang lại hiệu quả
Theo tôi, để chính sách tài chính, tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp mang lại hiệu quả tích cực cần có "3 đúng": Đúng chính sách, đúng đối tượng, đúng thời điểm. Muốn bảo đảm "3 đúng" trên đòi hỏi phải triển khai nhiều biện pháp. Thứ nhất, phân cấp phân quyền cho các địa phương, đặc biệt là địa phương cấp xã, phường bởi họ nắm rõ từng doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng. Cơ quan thuế cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để đẩy nhanh việc thực hiện hỗ trợ này. Thứ hai, công khai, minh bạch chế độ hỗ trợ và mức hỗ trợ để người dân, các tổ chức, cơ quan truyền trông giám sát. Thứ ba, thực hiện khẩn trương, kịp thời, nhanh gọn thì chính sách mới đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải mang tính chất dài hạn hơn, bởi có doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp, có doanh nghiệp bị ảnh hưởng gián tiếp. Do đó, cần rà soát nắm vững những khó khăn cụ thể của từng nhóm doanh nghiệp để áp dụng các chính sách hỗ trợ phù hợp.
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hanopro Việt Nam Tạ Thị Hạnh:
Phấn khởi vì các chính sách thuế
Bão số 3 và mưa lũ sau bão đã khiến chúng tôi bị thiệt hại nặng nề. Ngay sau khi được tiếp nhận thông tin Cục Thuế thành phố Hà Nội sẽ triển khai các chính sách thuế về gia hạn, miễn, giảm trong trường hợp gặp thiên tai, chúng tôi rất phấn khởi.
Tuy nhiên, có một nội dung tôi khá băn khoăn, đó là về thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo quy định, doanh nghiệp có chi phí liên quan đến phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường thì khoản này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Tôi thiết nghĩ, phần bảo hiểm và phần chính sách hỗ trợ là tách rời nhau. Doanh nghiệp bỏ chi phí mua bảo hiểm để phòng những lúc gặp vấn đề có nguồn tài chính hỗ trợ chứ không phải tự nhiên mà được bồi thường, song giá trị bồi thường cũng chỉ 50%. Vì thế, không nên quy định đã không được bồi thường thì khoản chi này mới được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Ông Lê Hồng Minh, chủ trang trại nuôi gà (xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây):
Chính sách hỗ trợ giúp vượt qua khó khăn
Trang trại của gia đình tôi đang chăn nuôi 36.000 con gà, trong đó có 18.000 con gà công nghiệp chăn nuôi gia công cho Công ty TNHH EMIVEST FEEDMILL VIỆT NAM. Cơn bão số 3 và những ngày mưa, lũ vừa qua đã làm cho toàn bộ trang trại bị thiệt hại đáng kể.
Theo như tôi tìm hiểu, với hộ, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng do gặp thiên tai được giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thu đặc biệt, thuế tài nguyên. Ngoài ra, chúng tôi được gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân. Đáng chú ý là đối với hộ kinh doanh bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do thiên tai (lũ lụt) được gia hạn nộp thuế không quá 2 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế. Chúng tôi rất mong được ngành Thuế xem xét, đẩy mạnh việc thực hiện hỗ trợ để chúng tôi có nguồn vốn và động lực khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống.
Dương - Hương ghi
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.