Điểm nóng

Hàng nghìn thiết bị liên lạc phát nổ ở Lebanon:Đòn giáng mạnh vào triển vọng hòa bình Trung Đông

Thùy Dương 21/09/2024 - 07:26

Nỗi lo về cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông lại gia tăng sau khi hàng nghìn thiết bị liên lạc gồm máy nhắn tin và bộ đàm của lực lượng Hezbollah phát nổ trên khắp Lebanon làm ít nhất 37 người thiệt mạng và gần 3.000 người bị thương. Vụ tấn công là một đòn giáng mạnh vào triển vọng hòa bình vốn đã mong manh trong thời gian qua ở khu vực này.

leba-non.jpg
Cảnh sát phong tỏa một khu vực ở Beirut (Lebanon). Ảnh: Mirror

Vào ngày 17 và 18-9, nhiều vụ nổ thiết bị liên lạc đã xảy ra ở Lebanon. Đầu tiên là số lượng lớn máy nhắn tin đã phát nổ gần như đồng thời ở nhiều địa điểm khác nhau. Theo Bộ Y tế Lebanon, các vụ nổ đã làm 12 người thiệt mạng, bao gồm hai trẻ em và 2.800 người bị thương. Ngày hôm sau, máy bộ đàm, điện thoại và các thiết bị chạy bằng pin năng lượng mặt trời và pin lithium-ion cũng phát nổ ở nhiều địa điểm tại quốc gia này. Những vụ nổ lần thứ hai làm 25 người chết và 608 người bị thương. Các vụ nổ chủ yếu xảy ra ở những khu vực được coi là thành trì của Hezbollah, đặc biệt là vùng ngoại ô phía Nam Beirut và ở khu vực Beqaa thuộc miền Đông Lebanon.

Hezbollah và chính quyền Lebanon nhận định tình báo Israel đứng sau vụ việc. Bộ trưởng Thông tin Lebanon Ziad Makary lên án vụ kích nổ máy nhắn tin là một "hành động xâm phạm của Israel". Thủ tướng Lebanon Najib Mikati kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có lập trường cứng rắn nhằm ngăn chặn "cuộc chiến công nghệ" của Israel chống lại đất nước ông.

Phát biểu ngày 19-9 sau hai vụ tấn công khiến Lebanon rơi vào hoảng loạn, Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah cảnh báo rằng, Israel sẽ phải nhận "hình phạt thích đáng" cho vụ việc trên khi “cuộc tấn công đã vượt qua mọi ranh giới đỏ”.

Hôm 18-9, Hezbollah đã nhắm tên lửa vào các vị trí pháo binh của Israel. Quân đội Israel báo cáo không có thiệt hại hoặc thương vong từ cuộc tấn công này. Israel không xác nhận cũng không phủ nhận việc đứng sau các vụ tấn công khiến 37 người thiệt mạng và gần 3.000 người bị thương nhưng tuyên bố sẽ mở rộng phạm vi chiến tranh ở Gaza bao gồm cả mặt trận Lebanon. Hiện tại có thông tin quân đội Israel đã di chuyển sư đoàn 98 đến miền Bắc nước này. Các động thái quân sự đã diễn ra kèm theo những lời lẽ gay gắt từ các nhà lãnh đạo Israel, khi cho rằng sự kiên nhẫn của họ đang cạn kiệt.

Đáng quan ngại hơn, đối với hoạt động ngoại giao của Mỹ ở Trung Đông, vụ tấn công bất thường tại Lebanon có thể khiến căng thẳng trong khu vực leo thang - điều mà Washington tránh bằng mọi giá. Một ngày trước khi xảy ra vụ nổ, Amos Hochstein, cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã có mặt tại Israel để phản đối việc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các quan chức nước này làm gia tăng căng thẳng ở Lebanon. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đã cảnh báo rằng, thời gian để tìm ra một giải pháp đàm phán giữa Israel và Hezbollah đang cạn dần.

Khi giới chức Mỹ nhận định, cơ sở cho một nền hòa bình dọc biên giới phía Bắc của Israel với Lebanon đang đến thông qua lệnh ngừng bắn ở Gaza, thì mọi việc đã trở nên khó nắm bắt và dường như không thể tiến gần hơn đến thành quả. Hôm 17-9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Trung Đông để đàm phán với các quan chức Ai Cập thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Nhà Trắng hy vọng rằng, một khoảng thời gian yên bình sẽ cho phép các nhà đàm phán đạt được bước đột phá. Tuy nhiên kỳ vọng đó không thành hiện thực bởi một cuộc tấn công bất ngờ và Hezbollah thề sẽ trả đũa.

Israel từng tuyên bố cuộc xung đột của Tel Aviv với Hezbollah, giống như cuộc chiến ở Gaza chống lại Hamas, là một phần của cuộc đối đầu khu vực rộng lớn hơn với Iran, quốc gia tài trợ cho cả hai phong trào này. Do đó, trong bối cảnh "sự tức giận" ngày càng gia tăng trong khu vực, Mỹ đã kêu gọi Iran không lợi dụng bất kỳ sự cố nào để gây thêm bất ổn. Giới chức Mỹ đang cố gắng giảm căng thẳng giữa hai bên và lo ngại rằng Thủ tướng Benjamin Netanyahu có thể ra lệnh tấn công Lebanon trên bộ.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh, ông không muốn thấy hành động leo thang từ bất kỳ bên nào khiến cho thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza trở nên khó khăn hơn.

Vụ nổ thiết bị liên lạc tại Lebanon đã đặt ra mối đe dọa đối với các cuộc đàm phán hòa bình hiện có, cũng như làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực. Theo Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi, Israel đang đẩy Trung Đông đến bờ vực xung đột bằng cách duy trì leo thang nguy hiểm trên nhiều mặt trận, trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, nhận định "còn quá sớm để biết" cuộc tấn công bởi những thiết bị liên lạc sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng nghìn thiết bị liên lạc phát nổ ở Lebanon: Đòn giáng mạnh vào triển vọng hòa bình Trung Đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.