(HNM) - Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, vừa cho ra mắt kịch bản sân khấu đầu tiên của mình - “Khoảng trời con gái”, nói về 10 nữ thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc. Nhà hát Dân ca Nghệ An dàn dựng, đã gần hoàn thiện, kịp ra mắt khán giả tại Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) vào dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc.
Tác giả Nguyễn Sĩ Đại (ngoài cùng bên trái) trong buổi họp báo. Nhà báo Nguyễn Sĩ Đại là người từng đội bom đạn ở quê mình thập kỷ 60, từng sống với Tổng đội TNXP 55, là chiến sĩ quân đội, nên có thể nói đây là đề tài có gắn bó máu thịt. Ảnh: Dân trí |
Sinh ra và lớn lên ở xã Phú Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh), từng đội bom đạn trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, từng chứng kiến những bước chân mở đường của Tổng đội Thanh niên xung phong 55, trong đó có 10 nữ thanh niên quả cảm ở Ngã ba Đồng Lộc, và đã tham gia quân đội, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại muốn viết một tác phẩm ý nghĩa về quê hương, về đề tài chiến tranh cách mạng. Ông tâm sự rằng mình định viết một tác phẩm kịch thơ. Nhưng, khi Viện Nghiên cứu truyền thông văn hóa dân tộc muốn thực hiện một vở kịch về 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc năm 1968, ông mạnh dạn nhận lời viết kịch bản.
Nửa thế kỷ qua, câu chuyện về 10 nữ thanh niên xung phong đang tuổi xuân thì đã ngã xuống vì Tổ quốc tại Ngã ba Đồng Lộc là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều văn nghệ sĩ. Vì vậy, viết kịch bản sân khấu về đề tài này thực sự là thách thức đối với tác giả. “Trước đây, khi học, thấy nghệ thuật phải hư cấu sao cho cao hơn cuộc sống. Nhưng rồi từng trải, viết nhiều, tôi thấy cứ sự thật, người thật mà viết, mà khái quát lên là có thể tạo nên tác phẩm tốt”, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại chia sẻ.
Từ khi nhận viết kịch bản này, không đêm nào tác giả ngủ yên. Ông viết một cách say mê và mọi thứ đều thuận lợi vô cùng. Nhiều người đã gửi cho ông tài liệu về 10 nữ thanh niên xung phong ngày ấy. Vì vậy, ông hoàn thành kịch bản chỉ trong một tuần, không phải sửa chữa nhiều.
Vở kịch tái hiện lại thời gian 10 nữ thanh niên xung phong bên nhau lao động mở đường, chia sẻ khoảng trời mộng mơ của các thiếu nữ tại Ngã ba Đồng Lộc. Dù cho bom đạn ác liệt, nhiệm vụ khẩn trương nhưng các cô gái vẫn giữ được sự trong trẻo, vui tươi, hồn nhiên. Không có quá nhiều nút thắt, mở hay những tình huống gay cấn, chỉ bằng những chi tiết dung dị, tác giả tạo được cảm xúc cho người đọc kịch bản. Chẳng hạn như cảnh chị Hợi về quê mang quà chỉ là những quả bồ kết, quả sim tím hay bông ngọc lan mà các chị em đã vui mừng ríu rít. Những màn đối đáp thú vị giữa các cô gái thanh niên xung phong với chiến sĩ lái xe, trong đó có chuyến xe chở nhà thơ Phạm Tiến Duật, và đặc biệt là cuộc gặp gỡ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành điểm nhấn cảm xúc cho vở kịch. Tác giả cũng sử dụng nhiều đoạn thơ nổi tiếng và thơ tự viết, tạo thêm những khoảng nhẹ nhàng như sự ngơi nghỉ quý giá dành cho các nữ thanh niên xung phong trong bom đạn ầm ào. Những phương ngữ cũng được người viết khéo chọn dùng, vừa dễ nghe vừa giữ được sắc thái riêng.
“Người đầu tiên đọc kịch bản là mẹ tôi, đã gần 90 tuổi. Bà đọc buổi sáng, rồi tối lại chong đèn đọc. Có lúc tôi thấy bà rơi nước mắt. Sau đó, tôi đưa kịch bản cho bạn bè, đồng đội và các cựu thanh niên xung phong từng trải qua chiến trường ác liệt ấy, họ nói rất cảm động. Vậy là tôi tự tin về vở kịch đầu tay này”, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại kể.
Sau nhiều cân nhắc, kịch bản được giao cho Nhà hát Dân ca Nghệ An dàn dựng. Có khoảng 60 nghệ sĩ, diễn viên được huy động cho tác phẩm. Vở kịch xây dựng theo hướng tích hợp các loại hình nghệ thuật như dân ca, kịch, điện ảnh và sử dụng thiết bị kỹ thuật hiện đại để tái hiện không khí kháng chiến chân thực. “NSND Hồng Lựu, Giám đốc Nhà hát Dân ca Nghệ An nói với tôi rằng sẽ nỗ lực hết sức dàn dựng vở kịch và chắc chắn sẽ lấy được nước mắt khán giả”, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại cho biết.
Dự kiến, vở kịch được diễn phục vụ miễn phí nhân dân vào ngày 10-7 tại Nhà Văn hóa TP Hà Tĩnh và vào tối 12-7 tại Ngã ba Đồng Lộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.