(HNM) - Iran vừa tuyên bố chính thức bắt đầu hạn chế các cuộc thanh sát quốc tế đối với các cơ sở hạt nhân của nước này. Động thái trên được cho là nhằm gây áp lực để các cường quốc dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt kinh tế áp đặt lên nước Cộng hòa Hồi giáo và khôi phục thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với các cường quốc thế giới gồm: Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nga, Trung Quốc vào năm 2015.
Việc hạn chế các cuộc thanh sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) được thực hiện theo Đạo luật “Kế hoạch hành động chiến lược chống trừng phạt” (SAPCS) được Quốc hội Iran thông qua hồi tháng 12-2020. Văn bản này quy định đạo luật được kích hoạt trong trường hợp Mỹ không gỡ bỏ trừng phạt đối với Iran. Ngoài ra, Iran sẽ không tiếp tục chia sẻ hình ảnh giám sát trực tiếp các cơ sở hạt nhân với IAEA.
Quyết định được đưa ra sau khi Iran kêu gọi Mỹ gỡ bỏ vô điều kiện và có hiệu quả tất cả lệnh trừng phạt mà chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đã tái áp đặt đối với Tehran nếu Washington muốn cứu vãn thỏa thuận hạt nhân còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Iran đã đặt thời hạn chót vào ngày 23-2 để Mỹ bắt đầu đảo ngược các biện pháp trừng phạt với Tehran, nếu không, nước này sẽ kích hoạt việc cấm các thanh sát viên IAEA.
Cuối tuần trước, đối mặt với hạn chót, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi đã đến Tehran với đề nghị các cuộc thanh sát có thể tiếp tục trong 3 tháng tới, gần thời điểm cuộc bầu cử ở Iran diễn ra vào tháng 6-2021 để lựa chọn người kế nhiệm Tổng thống Hassan Rouhani.
Tuy nhiên, chuyến thăm của người đứng đầu IAEA đã không thể thuyết phục Iran. Việc ngừng hợp tác với IAEA càng khiến cơ quan này quan ngại về khả năng tồn tại vật chất hạt nhân ở một cơ sở mà Iran chưa khai báo nằm ở quận Turquzabad của thủ đô Tehran. IAEA cho biết, kho lưu trữ uranium được làm giàu của Iran hiện đã gấp hơn 14 lần mức quy định trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Trên thực tế, Iran đang rất muốn hồi sinh JCPOA. Hồi đầu tháng 12 năm ngoái, Tổng thống H.Rouhani khẳng định nước này sẵn sàng trở lại tuân thủ đầy đủ thỏa thuận ngay sau khi các bên còn lại tôn trọng những cam kết của mình. Việc tái tham gia JCPOA trước tiên sẽ mang lại cơ hội thúc đẩy kinh tế cho Iran. Đặc biệt, nước này có thể tăng cường xuất khẩu dầu mỏ một cách hợp pháp.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nước tham gia JCPOA cũng có những động thái thể hiện mong muốn cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử vốn đang bên bờ vực sụp đổ sau khi cựu Tổng thống D.Trump rút Mỹ khỏi văn kiện này năm 2018.
Ngày 18-2, Tổng thống Mỹ J.Biden tuyên bố, Washington sẵn sàng hồi sinh thỏa thuận đã từ bỏ gần 3 năm trước. Hành động này phản ánh sự thay đổi trong cách tiếp cận của chính quyền mới ở Washington đối với vấn đề hạt nhân Iran. Tuy nhiên, khúc mắc lớn nhất là Mỹ và Iran chưa thể thống nhất về việc bên nào hành động trước. Mỹ đã đề nghị tổ chức cuộc gặp với Iran dưới sự bảo trợ của Liên minh châu Âu (EU).
Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, Washington vẫn đang đợi câu trả lời của Tehran về lời đề nghị này. Cho đến nay, chính quyền Tổng thống H.Rouhani vẫn kiên quyết yêu cầu Mỹ phải dỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt trước khi hai bên nối lại đối thoại. Trong khi đó, Washington lại cho biết sẽ không tiến hành bước đi nào liên quan đến đề nghị trên trước khi đàm phán với Tehran diễn ra.
Việc chính quyền Tổng thống J.Biden thể hiện thiện chí quay trở lại tham gia JCPOA là một tín hiệu tích cực. Sự kiện Iran tuyên bố chính thức hạn chế các cuộc thanh sát quốc tế cũng nhằm thúc đẩy mục tiêu này. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, đây sẽ là một chặng đường dài khi cả Mỹ và Iran hiện chưa ở điểm có thể “ráp nối” được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.