(HNM) - Thêm một lần nữa cái tên Hy Lạp lại
Trong một động thái mới nhất, tối 10-10 (giờ địa phương), tức ngày 11-10 (giờ Việt Nam), Hy Lạp đã tiến hành vòng đàm phán mới với EU, ECB và IMF về điều kiện nhận khoản tiền có ý nghĩa sống còn trị giá 31,5 tỷ euro từ 3 thể chế tài chính này. Theo đó, từ nay đến Hội nghị Thượng đỉnh EU khai cuộc, Athens phải hoàn tất lộ trình cho gói biện pháp "thắt lưng buộc bụng" lên tới 13,5 tỷ euro cho giai đoạn 2013-2014. Ngoài ra, Hy Lạp cũng phải thúc đẩy kế hoạch gồm 89 danh mục cải cách cơ cấu trong khu vực nhà nước, thị trường lao động và hệ thống thuế cũng như những hành động ưu tiên khác trong thời gian tới.
Số người thất nghiệp của Hy Lạp sẽ tiếp tục tăng mạnh khi chính phủ triển khai gói “thắt lưng, buột bụng” mới.
Theo tính toán mới nhất của Athens, chương trình điều chỉnh tài chính sẽ khiến ngân sách của Hy Lạp thiếu hụt từ 12 đến 15 tỷ euro mà không được khỏa lấp bằng bất kỳ khoản hỗ trợ tài chính thêm nào từ các đối tác Châu Âu. Điều này có nghĩa các quỹ phúc lợi và tiền lương cho công chức vốn đã eo hẹp sẽ tiếp tục bị cắt giảm. Bất ổn xã hội do đó được dự báo cũng sẽ tiếp tục bùng phát mạnh. Đây là lý do khiến các nhà lãnh đạo Hy Lạp dù có thừa quyết tâm chính trị song vẫn chưa thông qua được cam kết cuối cùng về các biện pháp khắc khổ tiếp theo.
Tuy nhiên, nếu không nhận được khoản cứu trợ mới vào tháng 11, Hy Lạp sẽ cạn sạch tiền vào tháng 1-2013 và sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ, gây rối loạn toàn khu vực. Trong bối cảnh như vậy, hoàn toàn có thể hiểu tại sao nhiều nhà bình luận cho rằng, chuyến thăm chớp nhoáng của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel tới Hy Lạp ngày 9-10 vừa qua lại có ý nghĩa tinh thần đến thế để động viên các nhà lãnh đạo Athens kiên trì theo đuổi liệu pháp "thắt lưng, buộc bụng". Ngay thông điệp chuyến thăm của bà A. Merkel cũng được thể hiện rất rõ: "Chúng tôi mong muốn giúp đỡ Hy Lạp và ổn định lại Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) nhưng cũng mong muốn Hy Lạp cải cách mạnh mẽ hơn nữa với những điều kiện đề ra". Động thái này cho thấy, thần dân của xứ sở Các vị thần sẽ không còn cách nào khác ngoài việc phải tiết kiệm hơn nữa mới mong nhận được tiền cứu trợ. Ngoài ra, việc nhà lãnh đạo nền kinh tế đầu tàu của Châu Âu xuất hiện tại Athens vào thời điểm cam go hiện nay cũng phần nào giúp trấn an thị trường, nhất là vào lúc ngày càng xuất hiện nhiều dự báo về "số phận" mong manh của Hy Lạp và sự chia rẽ xung quanh biện pháp cứu trợ dành cho quốc gia này liên tục gia tăng tại EU.
Có luồng ý kiến cho rằng, sau 2 lần được cứu trợ, Athens vẫn đang tụt dần xuống đáy và các đối tác có thể sẽ phải tính đến 1 gói cứu trợ thứ 3. Do đó, không nên để "con nợ" Hy Lạp nhấn chìm cả khối. Để "phòng xa", mới đây, Thủ tướng Anh David Cameron đã kêu gọi EU xây dựng 2 ngân sách riêng rẽ tại Châu Âu, một cho Eurozone và một cho khu vực không sử dụng đồng euro, trong đó có Anh. Nhưng, nhiều chuyên gia lại khẳng định, nếu Hy Lạp buộc phải rời khỏi Eurozone sẽ gây hệ lụy khôn lường cho tương lai phát triển của EU.
Từng được ghi nhận là quốc gia khai sáng cho thế giới rất nhiều những nguyên tắc cơ bản của một xã hội văn minh, nhưng nay, với một nền kinh tế trong tình trạng suy thoái nặng nề, Hy Lạp đang trở thành nguyên cớ gây chia rẽ Châu Âu. Trong bối cảnh có nhiều dự báo cho rằng nền kinh tế khu vực sẽ suy giảm 0,8% trong năm nay và giậm chân tại chỗ trong năm 2013, chắc chắn việc tiếp tục phải tung tiền ứng cứu Athens sẽ khiến bất đồng giữa các thành viên EU xung quanh "câu chuyện" Hy Lạp gia tăng. Điều này sẽ không chỉ tác động tiêu cực tới kế hoạch chung nhằm vực dậy nền kinh tế EU mà còn khiến giấc mơ nhất thể hóa liên minh này ngày một thêm xa vời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.