(HNM) - Sự tồn tại của Hy Lạp trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết khi chính quyền không còn tiền để thanh toán các khoản chi cấp bách, trong khi thời gian trả nợ đang được đếm từng ngày.
Trong bối cảnh khó khăn, những nỗ lực đàm phán giữa Hy Lạp với "bộ ba" chủ nợ gồm Liên minh Châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để nhận được gói cứu trợ vẫn chưa có tiến triển nào đáng kể.
Người dân Hy Lạp ngán ngẩm với cuộc sống ngày càng khốn khó. |
Mới đây IMF đã bác bỏ đề nghị của Athens nhằm trì hoãn trả khoản nợ 2,5 tỷ euro phải thanh toán trong tháng 5 tới. Còn đại diện Ủy ban Châu Âu (EC) tuyên bố không hài lòng với những "tiến bộ" chậm chạp từ phía Hy Lạp. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble trong bài phát biểu tại Viện Brooking ở Washington (Mỹ) khẳng định những giải pháp cứu trợ cho Hy Lạp chỉ có được khi nước này có những nỗ lực tương xứng.
Với ngân khố trống rỗng như hiện nay, những điều kiện mà các chủ nợ đưa ra là một thách đố với chính quyền Hy Lạp. Dường như không còn lựa chọn nào khác, Thủ tướng Alexis Tsipras đã phải yêu cầu chính quyền các địa phương chuyển nguồn dự trữ đến Ngân hàng trung ương để trang trải chi phí. Suốt 6 năm khủng hoảng nợ, Hy Lạp chưa phải dùng đến biện pháp huy động mang tính bắt buộc như vậy. Quyết định này cũng gợi nhớ đến tình trạng của Argentina hơn một thập kỷ trước đây, thời gian đang cạn dần trước những cố gắng hòng phá nợ của Thủ tướng A.Tsipras.
Theo ước tính, số tiền mà Ngân hàng trung ương Hy Lạp có thể huy động được từ các địa phương vào khoảng 2,15 tỷ USD, chỉ có thể chi trả tiền lương và thanh toán số nợ ban đầu cho IMF sẽ đáo hạn vào ngày 12-5 tới. Một bầu không khí căng thẳng đang bao trùm xứ sở các vị Thần vì số tiền cần trang trải cho những nhu cầu cấp bách của đất nước hiện lên đến 3 tỷ euro gồm: Tiền lương, bảo hiểm xã hội, trả lãi suất nợ và những khoản vay đã đến hạn. Đối với người dân Hy Lạp, dù sắc lệnh phải được Quốc hội thông qua mới có hiệu lực nhưng đó dường như là giọt nước tràn ly sau những năm tháng "thắt lưng buộc bụng" đầy kham khổ. Các chính quyền địa phương ở Hy Lạp đã kịch liệt phản đối quyết định này khi cho rằng việc nhà nước quản lý nguồn quỹ của các địa phương là không công bằng, không thể chấp nhận được và gánh nặng chuyển tiền dự trữ địa phương về trung ương có thể khiến các cơ quan địa phương buộc phải ngừng hoạt động. Thêm vào đó, việc chuyển nguồn ngân sách dự trữ của các địa phương và khu vực tới Ngân hàng trung ương sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn tài chính, đặc biệt trong bối cảnh chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Hy Lạp vừa giảm thêm 3,3%. Ngày 24-4, trong cuộc họp Bộ trưởng Tài chính Châu Âu tại thủ đô Riga (Latvia), Hy Lạp đã buộc phải đưa ra một số nhượng bộ về tiến trình cải cách theo yêu cầu của các chủ nợ. Tuy nhiên, theo các nhà lãnh đạo Châu Âu, những nỗ lực mà Athens đang thực hiện vẫn chưa đạt yêu cầu như chương trình cải cách kinh tế để có thể nhận được khoản giải ngân 7,2 tỷ euro còn lại trong gói cứu trợ 240 tỷ euro mà EU và IMF đã nhất trí dành cho Hy Lạp từ năm 2010.
Theo kế hoạch, 30-6 tới sẽ là ngày đáo hạn gói cứu trợ tài chính, có nghĩa là từ ngày 1-7 tới, Hy Lạp sẽ phải đàm phán một thỏa thuận mới từ đầu với các nhà "tài trợ" nếu muốn nhận được bất kỳ khoản cứu trợ nào từ EU và IMF. Thời gian cho quốc gia này không còn nhiều. Trong trường hợp chính quyền của Thủ tướng A.Tsipras vẫn theo đuổi lập trường cứng rắn như hiện nay, kịch bản Hy Lạp vỡ nợ là hoàn toàn có thể. Nếu điều không ai muốn này trở thành hiện thực sẽ là một cú sốc chưa từng có với liên minh tiền tệ 16 năm tuổi của Châu Âu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.