Hà Nội kết nối

Cần giải pháp tổng thể để người dân có thể " sống chung" với hạn mặn

Nhóm phóng viên 07/05/2024 - 20:31

Nhóm phóng viên Báo Hànộimới đã theo chân những đoàn thiện nguyện tiếp nước ngọt cho vùng hạn mặn miền Tây. Đây là những việc làm ấm nghĩa đồng bào, nhưng vẫn cần những giải pháp tổng thể để người dân có thể yên tâm “sống chung” với biến đổi khí hậu.

a30.jpg
Bà Tư Khánh phấn khởi khi nhận được bình nước uống từ các nhà hảo tâm. Ảnh: Tuệ An.

Nặng nghĩa đồng bào

Bà Tư Khánh trùm khăn gần kín mặt, nhưng chúng tôi biết bà đang cười, vì đôi mắt lấp lánh kia. Bê thùng nước uống 20 lít vừa được trao tặng lên xe máy và buộc kỹ, bà giơ 2 ngón tay chào chúng tôi, miệng nói: "Cảm ơn các cô chú nhiều nghen! Bình nước này đủ để gia đình tôi dùng trong 5 ngày đấy!”.

Bà Tư là một trong hơn 100 người dân ở cồn Ốc, xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đến UBND xã nhận nước uống do nhóm thiện nguyện Những người bạn từ thành phố Hồ Chí Minh mang về, cùng chính quyền xã tổ chức trao đến người dân chiều ngày 5-5 vừa qua. Cũng đợt này, nhóm thiện nguyện trao sà lan nước ngọt thứ 2 đến UBND xã.

a35.jpg
Người dân vùng hạn mặn Bến Tre phấn khởi nhận nước ngọt tiếp tế. Ảnh: Tuệ An.

Nổi bật giữa sông Hàm Luông mênh mông nước, cồn Ốc bạt ngàn dừa xanh. Đây là nơi sinh sống của hơn 1.400 hộ dân. Trước khi mùa khô đến, chính quyền và người dân nơi đây đã chuẩn bị nhiều phương án khắc phục hạn mặn như thúc giục các hộ dân trữ nước; xây dựng 2 hồ dã chiến chứa nước ngọt…

Nhưng năm nay, do mùa khô kéo dài hơn mọi năm đến hơn một tháng, nước dự trữ cạn kiệt; nước sông Hàm Luông bị nước biển xâm nhập đưa độ mặn lên cao trong quãng sông dài gần 100km tính từ cửa biển… nên người dân thiếu nước ngọt trầm trọng.

a39.jpg
Sà lan thiện nguyện chở nước ngọt về cồn Ốc. Ảnh: Hoàng Phương.

Xắn tay cùng chúng tôi bê những thùng nước uống từ xe tải vào trong trụ sở UBND xã, Chủ tịch xã Hưng Phong Võ Hoàng Trung nói: “Sà lan nước các anh chị tiếp tế hôm qua đã bơm đầy hồ dã chiến (đắp đất thành bờ, lót bạt chống thấm đáy hồ). Hơn 400 khối nước ngọt đó, bà con đủ dùng 3 ngày. Với hơn 200 thùng nước uống đoàn mang đến hôm nay, tụi tôi đã phát phiếu cho hơn 100 gia đình đến nhận. Những ngày qua, nhiều đoàn từ khắp nơi cũng mang nước ngọt về đây tặng người dân. Xin cảm ơn mọi người rất nhiều”.

Để có được hơn 400 khối nước ngọt, sà lan chúng tôi thuê phải đi ngược dòng hơn 100km lên thượng nguồn để lấy nước không bị nhiễm mặn rồi quay về cồn Ốc bơm đầy hồ chứa. Mỗi chuyến đi như vậy mất khoảng 2 ngày. Nhà tàu cũng là người địa phương, đã góp công, góp người chở nước, chỉ tính tiền dầu với đoàn thiện nguyện. Vì vậy, chi phí 6 triệu đồng/chuyến sà lan như thế là mức trợ giá “không tưởng” vào thời điểm này.

a34.jpg
Một hồ nước dã chiến chứa được hơn 400 m3 nước ngọt, phục vụ người dân. Ảnh: Tuệ An.

Hơn một tháng qua, những chuyến thiện nguyện nước ngọt như thế từ nhiều nơi “chảy” về các tỉnh duyên hải vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Điển hình, những tàu nước của Vùng II Hải quân miệt mài chở nước máy từ Vũng Tàu về Long An, Bến Tre, Tiền Giang. Những tàu nước của vùng V Hải quân thường xuyên tiếp tế nước ngọt cho bà con vùng ven biển tỉnh Cà Mau…

Hôm 5-5, một doanh nghiệp đã phối hợp với chính quyền địa phương trao 50 bồn nước ngọt 1.000 lít; 1.500 bình nước uống loại 20 lít cho 550 hộ dân ở hai xã Tân Tập và Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

a24.jpg
Tàu của Vùng V Hải quân chở nước ngọt tiếp tế cho đồng bào vùng hạn mặn Cà Mau. Ảnh: Vùng V Hải quân cung cấp.

Cũng trong ngày này, gặp chúng tôi tại bờ bắc sông Hàm Luông, Hai Vũ, một tài xế xe bồn 31 tuổi ngụ tại Đồng Nai, chia sẻ: “Ngày nghỉ, nhóm em góp 3 triệu mua nước sạch và chi tiền dầu chạy xe về đây tiếp nước cho bà con. Dự kiến trong 1 buổi chiều, tụi em sẽ chia hết hơn 10 khối nước này”.

Triển khai giải pháp tổng thể

Chủ tịch UBND xã Hưng Phong Võ Hoàng Trung cho biết sống giữa dòng sông nhiễm mặn, suốt thời gian qua, người dân cồn Ốc không có nước ngọt để sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi… Hạn mặn khiến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt bị đình trệ, ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân.

a38.jpg
Có đê bao, cồn Ốc sẽ không còn lo xâm nhập mặn. Ảnh: Đồng Khởi.

Từ năm 2023, UBND tỉnh Bến Tre triển khai Dự án “Xây dựng tuyến đê bao chống ngập, kiểm soát mặn, trữ ngọt kết hợp đường giao thông xã Hưng Phong”, tổng mức đầu tư hơn 285 tỷ đồng để xây dựng bờ kè dài hơn 11.000m bao quanh cồn Ốc.

“Theo thiết kế, bề rộng mặt đê 6,5m kết hợp làm đường giao thông; cao trình đỉnh +3,0m nhằm ngăn xâm nhập mặn. Dự kiến công trình hoàn thành nửa đầu năm 2025, góp phần quan trọng để người dân ổn định cuộc sống và địa phương phát triển kinh tế, xã hội…”, ông Võ Hoàng Trung nói.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), cùng với giải pháp công trình như trên, để thích ứng lâu dài với biển đổi khí hậu, xâm nhập mặn…, cần tính đến việc thực hiện cùng lúc các giải pháp khác như: Trữ và tiết kiệm nước ngọt; chuyển đổi sản xuất…

a41.jpg
Cống Cái Lớn là giải pháp công trình đồ sộ, được Trung ương đầu tư xây dựng để ngăn mặn, trữ nước ngọt cho một vùng rộng lớn lên đến hơn 381.000ha thuộc các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu… Ảnh: Quốc Giang.

Cụ thể, cần khuyến khích người dân tìm mọi cách để giữ được nước mưa và nước lũ của mùa mưa trước càng nhiều càng tốt, với mọi hình thức. Cần xây nhiều hồ nhỏ, rải rác để đáp ứng nhu cầu cho mỗi cộng đồng dân cư.

Cần hướng dẫn người dân thích ứng với xâm nhập mặn bằng cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ nước ngọt sang nước lợ ở những vùng dễ bị ảnh hưởng trong mùa khô. Nơi độ mặn cao thì chuyển qua nuôi trồng thủy sản phù hợp…

a40.jpg
Nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã áp dụng thành công mô hình tôm - lúa. Theo đó, khi có xâm nhập mặn, người dân không trồng lúa mà chuyển sang nuôi tôm trên đất lúa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Chúc Ly.

“Giải pháp căn cơ là tìm cách "sống chung" với xâm nhập mặn, hạn hán… chứ không chỉ tìm cách chống lại nó. Đây là cách thích ứng thuận tự nhiên, phù hợp với chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đã đề ra trong chiến lược phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần giải pháp tổng thể để người dân có thể " sống chung" với hạn mặn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.