(HNM) - Trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, các cơ quan chức năng đề nghị bổ sung một số quy định quan trọng về bình đẳng giới nhằm thay đổi cách tiếp cận và hành động từ “bảo vệ lao động nữ” sang “thúc đẩy bình đẳng giới”.
Lao động nữ ở xã Cao Viên (huyện Thanh Oai) được hỗ trợ học nghề, tìm việc làm. Ảnh: Hà Hiền |
Nên tăng tuổi nghỉ hưu như thế nào?
Rút ngắn khoảng cách chênh lệch tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và nữ là nội dung đề xuất điều chỉnh nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Theo dự thảo Bộ luật Lao động, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ tăng theo 2 phương án.
Phương án 1, bắt đầu từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ tăng mỗi năm 3 tháng đối với nam, 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2, kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ tăng mỗi năm 6 tháng đối với cả lao động nam và nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Những người bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… có quyền nghỉ hưu sớm hơn. Những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, làm công tác quản lý… có thể nghỉ hưu muộn hơn.
Các phương án tăng tuổi nghỉ hưu được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ. Điều dư luận băn khoăn là Hiến pháp năm 2013 quy định nam và nữ bình đẳng trước pháp luật, vậy tại sao dự thảo Bộ luật Lao động không “san bằng” sự chênh lệch về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ?
“Hiện nay, kinh tế - xã hội phát triển, phụ nữ được đào tạo, giáo dục như nam giới. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ là 76, cao hơn nam giới 3 tuổi. Do đó, quy định nữ giới về hưu sớm hơn nam giới sẽ cản trở sự phát triển của phụ nữ. Nếu muốn ưu tiên, có thể ưu tiên về thời gian đóng bảo hiểm cho lao động nữ để họ được thụ hưởng tốt nhất các chính sách khi về hưu”, bà Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội phân tích.
Về vấn đề này, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, các phương án tăng tuổi nghỉ hưu theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và cần có lộ trình để thực hiện. Trước mắt, chúng ta tăng tuổi nghỉ hưu lên đủ 62 tuổi đối với nam, đủ 60 tuổi đối với nữ là phù hợp. Tương lai, chúng ta có thể bàn đến phương án tăng tuổi nghỉ hưu lên 63 hoặc 65 tuổi đối với cả nam và nữ...
Theo bà Andrea Prince, chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, việc tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ tương đồng với nam phù hợp với Công ước 111 chống phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp mà Việt Nam phê chuẩn từ năm 1992. Hơn nữa, quy định này còn tạo ra hành lang pháp lý đủ mạnh để các bên liên quan nghiêm túc, nỗ lực thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Tạo điều kiện tốt nhất cho lao động nữ
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ luật Lao động năm 2012 đã có những quy định khá rõ ràng nhằm bảo đảm các nguyên tắc về bình đẳng giới. Tuy nhiên, một số quy định vẫn bị tác động bởi định kiến giới nên chưa có sự công bằng về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của lao động nam và lao động nữ.
Ví dụ như quyền bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ trong việc thực hiện chức năng sinh sản, nuôi con nhỏ phù hợp với đặc điểm giới tính (Điều 159), quyền của người lao động tự quyết định làm các công việc có ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ (Điều 160)…
Nhằm khắc phục những “lỗ hổng” pháp lý, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi dành một chương riêng quy định các vấn đề liên quan đến lao động nữ. Dự thảo đưa các phương án về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu người lao động bị ngược đãi, bị quấy rối tình dục hoặc bị cưỡng bức lao động. Lao động nữ mang thai có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong một số trường hợp. Ngược lại, người sử dụng lao động không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người nghỉ việc theo chế độ thai sản, cũng không được bố trí họ làm việc ban đêm, làm thêm giờ...
Khi được hỏi về những điểm mới trong dự thảo Bộ luật Lao động, đa số người lao động cho rằng đó là những đề xuất mang tính nhân văn, phù hợp với nhu cầu thiết thân của lao động nữ.
“Phụ nữ vẫn phải chịu thiệt thòi trong công việc và cuộc sống, nên họ cần được pháp luật bảo vệ bằng những chính sách rõ ràng, cụ thể và thống nhất. Tôi được biết Luật Bảo hiểm xã hội đã có chế độ dành cho lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con thì được nghỉ một số ngày làm việc, trong khi Bộ luật Lao động hiện hành chưa có quy định này”, chị Nguyễn Thị Thanh, cán bộ tuyển dụng Công ty TNHH LG Display Việt Nam cho hay.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Park Sung Geun, Phó Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam khẳng định, công ty thường xuyên có 70 - 80% lao động là nữ. Việc áp dụng chính sách đặc biệt dành cho lao động nữ mang thai, đang nuôi con nhỏ, tạo môi trường thuận lợi cho lao động nữ làm việc vừa là văn hóa ứng xử của doanh nghiệp, vừa là giải pháp quan trọng đưa thương hiệu Samsung có chỗ đứng trong thị trường quốc tế.
Có thể khẳng định, những nội dung liên quan đến yếu tố giới được đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Bộ luật Lao động sẽ tác động không nhỏ tới mọi mặt của đời sống xã hội. Để những quy định của pháp luật không rơi vào tình trạng chưa ban hành đã bộc lộ những bất cập, những điểm mới nêu trên cần được tính toán kỹ lưỡng trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.