Xã hội

Chung tay thúc đẩy bình đẳng giới

Bài và ảnh: Bảo An 16/03/2024 - 15:00

Phân biệt đối xử, trọng nam khinh nữ, bạo lực trên cơ sở giới hiện còn tồn tại trong một số gia đình đã kìm hãm sự phát triển của phụ nữ, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Để thúc đẩy bình đẳng giới, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình, phong trào sáng tạo nhằm nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái. Đặc biệt, các cấp hội phụ nữ từ thành phố đến cơ sở đã có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm trang bị kiến thức và bảo vệ an toàn cho hội viên.

pn.jpg
Ra mắt mô hình “Tổ dân phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm.

Khi trên dưới đồng lòng

Nhận thức rõ vai trò của các cấp hội trong hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Hà Nội đã quan tâm nâng cao kiến thức, kỹ năng về bình đẳng giới cho cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp. Nhiều hoạt động nhằm bảo vệ hội viên đã được tổ chức, như Đề án “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022 - 2026”; tổ chức tọa đàm, khảo sát, đánh giá mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh” tại quận Hoàn Kiếm; tổ chức cuộc thi viết “Tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2023”...

Được biết, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức 13 buổi tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý cho 2.490 hội viên, tư vấn trực tiếp cho 76 người. Các cấp Hội tổ chức 678 buổi truyền thông, tập huấn cho trên 77.480 lượt báo cáo viên, tuyên truyền viên về các văn bản pháp luật mới ban hành, nội dung liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới; thành lập thêm 18 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, nâng tổng số địa chỉ trong toàn thành phố lên 1.976; xây dựng 438 tủ sách, ngăn sách, túi sách pháp luật tại cơ sở.

Mới đây, Hội LHPN Hà Nội triển khai nhân rộng mô hình “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại 5 quận, huyện (Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Trì, Thanh Oai). Bên cạnh đó, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại 3 huyện và mô hình “Tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em” tại 2 quận với 3 nhóm tiêu chí về cơ sở hạ tầng, văn hóa - giáo dục - y tế, thiết chế và cơ chế hỗ trợ để bảo vệ phụ nữ, trẻ em.

Từ khi thành lập đến nay, mô hình đã có nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, người dân, đặc biệt là nam giới về việc tạo dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em và hỗ trợ phụ nữ khó khăn an tâm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.

Ngoài ra, Hội LHPN Hà Nội còn nhân rộng mô hình “Ban quản lý chung cư an toàn, thân thiện với phụ nữ, trẻ em” tại quận Nam Từ Liêm; áp dụng mô hình “Chủ nhà trọ an toàn, thân thiện với phụ nữ, trẻ em” tại quận Nam Từ Liêm và quận Hai Bà Trưng. Cùng với đó, các cơ sở Hội còn duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của 184 nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật trên toàn thành phố; 74 tổ tư vấn tham gia giải quyết vụ việc liên quan tới phụ nữ và trẻ em; 145 CLB “Phụ nữ với pháp luật”; 15 CLB “Phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em”; CLB “Nói không với bạo lực gia đình”, CLB “Nam giới lên tiếng”, CLB “Nam giới đồng hành vì sự an toàn của phụ nữ, trẻ em”, CLB “Gia đình nói không với bạo lực”; 1.978 địa chỉ tin cậy, Tổ hòa giải; mô hình Ngôi nhà an toàn cho phụ nữ, trẻ em...

pn1.jpg
Tình huống tìm hiểu kiến thức pháp luật tại Chương trình Truyền thông pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh.

Hiệu quả từ những mô hình tiêu biểu

Tháng 8-2023, Hội LHPN Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình “Tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em” tại Tổ dân phố số 6, phường Tứ Liên (quận Tây Hồ), và sau đó 1 tháng tại Tổ dân phố số 4, phường Phương Canh (quận Nam Từ Liêm). Cùng với đó, Thành hội triển khai thí điểm mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ, trẻ em” tại 3 xã thuộc các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mê Linh. Mục tiêu của những mô hình này là giúp phụ nữ và trẻ em có thể tiếp cận các không gian, địa điểm an toàn, không có bạo lực, giúp họ tự tin trong quá trình tham gia hoạt động tại địa phương.

Bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết: Hội LHPN Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều hoạt động, mô hình nhằm nâng cao năng lực cán bộ Hội các cấp, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội trong phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, nạn xâm hại phụ nữ, trẻ em. Các hoạt động tuyên truyền có hình thức, nội dung phong phú, bước đầu đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và thay đổi hành vi của các cấp, các ngành trong giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, thu hút đông đảo hội viên, nhân dân tham gia.

Nhờ các mô hình sáng tạo, các vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em được Hội lên tiếng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp; 85% phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân mua bán người trở về địa phương, khi phát hiện được các cấp Hội hỗ trợ tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản; 55% số người có hành vi gây bạo lực khi phát hiện được tư vấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực.

Trong thời gian tới, Thành hội tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền, tổ chức các hoạt động tập huấn, tọa đàm, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức triển khai công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em trên địa bàn.

Đồng thời, hoạt động nắm bắt dư luận sẽ được các cấp Hội quan tâm nhiều hơn để kịp thời phát hiện, tham gia và kiến nghị chính quyền, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Chị Vũ Thúy Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Xuân cho biết: “Toàn quận có 169 cộng tác viên dư luận xã hội. Họ nắm bắt và phản ánh kịp thời tình hình dư luận xã hội, diễn biến tư tưởng của phụ nữ và nhân dân; phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia giải quyết các vụ việc liên quan đến bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em... Hội LHPN quận đã tổ chức những buổi truyền thông, tuyên truyền kiến thức phòng, chống xâm hại tình dục đối với phụ nữ, trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; chia sẻ các tình huống không an toàn tại cộng đồng; hướng dẫn cách chăm sóc trẻ em theo từng giai đoạn phát triển... Ðồng thời, chúng tôi đến các hộ dân để kịp thời lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, tìm cách hòa giải vướng mắc, mâu thuẫn trong gia đình để người dân có cuộc sống yên ấm, hạnh phúc”.

Có thể thấy, cùng với sự chung tay, góp sức của cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực của các cấp hội phụ nữ, trên địa bàn Thành phố đã xuất hiện nhiều điểm sáng tích cực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của hội viên, phụ nữ và cộng đồng.

Từ những mô hình, cách làm sáng tạo của các cấp hội, các vụ việc nổi cộm, gây bức xúc tại nhiều nơi đã được phát hiện và giải quyết kịp thời, nhiều địa chỉ tin cậy tại cộng đồng đã phát huy tối đa hiệu quả trong việc hỗ trợ, tư vấn, trợ giúp cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, góp phần bảo vệ quyền lợi và bảo đảm an toàn cho phụ nữ, trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chung tay thúc đẩy bình đẳng giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.