Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng tới phát triển bền vững

Thế Văn| 14/12/2020 06:10

(HNM) - Những năm gần đây, cây ăn quả có múi (bưởi, cam, chanh...) đã có bước phát triển nhanh cả về diện tích và sản lượng, trở thành cây trồng chủ lực tại nhiều địa phương. Đáng kể là không chỉ bảo đảm nhu cầu tiêu dùng trong nước, sản phẩm cây ăn quả có múi còn được xuất khẩu tới nhiều thị trường như: Trung Quốc, Hà Lan, Pháp, Singapore, Saudi Arabia, Maldives... đóng góp vào thặng dư thương mại ngành hàng rau quả Việt Nam. Hơn thế, kết quả này còn giúp nâng cao thu nhập cho nông dân và có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nước ta.

Tuy nhiên, việc phát triển cây ăn quả có múi ở nước ta còn không ít bất cập. Nhiều địa phương có hiện tượng “mạnh ai nấy làm”, trồng cam, bưởi, chanh... theo “phong trào”. Nhiều loại giống chất lượng chưa cao, nhanh thoái hóa, quả nhiều hạt, việc kiểm soát nguồn gốc giống còn hạn chế; dịch bệnh trên cây có múi diễn biến phức tạp và tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật... tiếp tục gây nhiều hệ lụy; có dấu hiệu dư thừa sản phẩm nên giá bán không cao...

Khắc phục những điểm còn hạn chế, tiếp tục phát huy thế mạnh, nâng cao giá trị của cây ăn quả có múi, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra hiện nay cho ngành Nông nghiệp cùng các địa phương là phải kiểm soát chặt quy hoạch sản xuất. Việc tăng hay giảm diện tích phải đặt trong điều kiện cho phép và cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng của cơ quan chuyên môn để vừa đáp ứng sức tiêu thụ của thị trường, vừa tận dụng triệt để thế mạnh thổ nhưỡng, khí hậu, truyền thống sản xuất ở địa phương. Yêu cầu nữa phải làm là bảo đảm sự phát triển hài hòa, cân bằng giữa các vùng và địa phương; kiên quyết không trồng cây ăn quả theo "phong trào", được chăng hay chớ mà bỏ quên những yếu tố quan trọng là chất lượng nông sản, thị trường tiêu thụ...

Để bảo đảm chất lượng đầu ra, cũng phải đặc biệt chú trọng phát triển giống cây ăn quả có múi. Do đó, ngoài việc đẩy mạnh thâm canh các giống nhập nội chất lượng thì các địa phương và cơ quan chuyên môn cần tập trung nghiên cứu, phát triển các giống cây ăn quả có múi mang tính đặc hữu. Đây chính là điều kiện cần thiết xây dựng thương hiệu trái cây và thu hút được người tiêu dùng. Đặc biệt, cần xây dựng cơ cấu giống rải vụ thu hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ quả tươi và nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Ngoài ra, phải tập trung việc mở rộng thị trường tiêu thụ trái cây có múi, với sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng cả trong và ngoài nước, hướng đến những thị trường có nhu cầu cao, mang tính ổn định. Về công tác xúc tiến thương mại, phải đa dạng hóa các kênh bán hàng cả trực tuyến lẫn trực tiếp, làm sao để người tiêu dùng tiếp cận thông tin nhanh, chính xác về sản phẩm họ muốn mua.

Trong quá trình trồng, chăm sóc cây ăn quả, bên cạnh phát huy tập quán canh tác truyền thống, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật. Trong đó, ưu tiên công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ thâm canh theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công nghệ chế biến sau thu hoạch để đa dạng hóa sản phẩm, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng. Người nông dân cũng cần tuân thủ chặt chẽ các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, nhất là phải sử dụng đúng quy cách, lưu lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón... theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Người trồng cây ăn quả phải nói "không" với "sản xuất bẩn" và hướng đến sản xuất sạch, an toàn, thân thiện môi trường.

Kiểm soát tốt quy hoạch, bảo đảm chất lượng giống cũng như sản phẩm và thị trường tiêu thụ, đó là những điều kiện lớn bảo đảm phát triển bền vững cho cây ăn quả có múi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.