(HNM) - Bệnh án điện tử là một đột phá lớn cho ngành Y tế Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Hồ sơ bệnh án điện tử sẽ giúp lược bỏ nhiều công đoạn trong quá trình khám, chữa bệnh; tiết kiệm đáng kể thời gian không chỉ của người bệnh mà còn của cả y, bác sĩ, giúp việc điều trị, nhất là trong các ca cấp cứu hiệu quả, chất lượng.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào khám, chữa bệnh đã được ngành Y tế Thủ đô thực hiện ở nhiều lĩnh vực và bệnh án điện tử đã được triển khai khá thành công ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Tim Hà Nội... Thực tế, ứng dụng và phát triển y tế thông minh góp phần hiện đại hóa các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Việc ứng dụng này còn giúp tăng cường công tác quản lý nhà nước theo hướng khoa học, chính xác; góp phần vào việc xây dựng "Chính quyền điện tử" và đây cũng là xu hướng tất yếu trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Việc ứng dụng bệnh án điện tử vào thực tế chỉ là một phần trong việc hướng đến một nền y tế thông minh. Bởi, sau bệnh án điện tử, ngành Y tế sẽ tiếp tục triển khai bệnh án điện tử kết nối liên thông với phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử; triển khai phần mềm quản lý hoạt động trạm y tế cấp xã kết nối liên thông với hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử... Hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm quá tải cho cơ sở y tế tuyến trên. Về lâu dài, bệnh án điện tử sẽ là kho dữ liệu thông tin sức khỏe cá nhân trong suốt cuộc đời mỗi người.
Hiện nay, việc ứng dụng bệnh án điện tử trên địa bàn thành phố cũng như cả nước chưa toàn diện, đồng đều trên toàn hệ thống bởi lĩnh vực này mới bước đầu được thực hiện. Khó khăn trước mắt còn nhiều, song với lộ trình đã được xác định, ngành Y tế Thủ đô đã có những hành động cụ thể như nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để sớm triển khai đại trà, hướng đến một nền y tế thông minh, vì quyền lợi của bệnh nhân và toàn xã hội.
Để nhanh chóng đưa ứng dụng này vào cuộc sống, đòi hỏi nhiều nguồn lực phải thực hiện song song. Trong đó, điều kiện nhân sự, nền tảng công nghệ thông tin và nguồn kinh phí... là những đòi hỏi cơ bản và cần thiết. Về phía con người, các cơ sở y tế cần chủ động đào tạo, tập huấn nghiệp vụ; mỗi y, bác sĩ cần có ý thức "đi trước một bước" để sớm tiếp cận những công nghệ mới. Về lĩnh vực công nghệ, cần xây dựng phần mềm thống nhất để dữ liệu được thông suốt giữa các tuyến, các cấp và giữa các bệnh viện trong cả nước... Đặc biệt, hướng đến sự chuẩn hóa, Bộ Y tế cần thống nhất trong xây dựng phần mềm dùng chung giữa các bệnh viện để việc liên thông bệnh án điện tử được thực hiện xuyên suốt trong toàn hệ thống. Mặt khác, các tiêu chuẩn để chuẩn hóa bệnh án điện tử cần tính đến mặt bằng chung của các tỉnh, thành phố, vùng miền để có sự đồng nhất trong quá trình liên thông về sau.
Tính hữu ích của bệnh án điện tử đã được chứng minh trên thực tế. Tuy nhiên, với lộ trình từng bước, "làm đâu, chắc đấy", bên cạnh việc tập trung triển khai bệnh án điện tử thì bệnh án giấy vẫn phải thực hiện ở những cơ sở y tế chưa đủ điều kiện. Trong quá trình này, cùng với hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, nhân sự, các bệnh viện, nhất là cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã cần lồng ghép với việc tuyên truyền cho người dân hiểu, đồng hành, hợp tác để sự "chuyển mình" đạt hiệu quả thực chất.
Cùng với đó, ngành Y tế và các đơn vị liên quan cần có những sơ kết, đánh giá ban đầu với những bệnh viện đã, đang thực hiện thí điểm mô hình này để tìm ra những điểm còn hạn chế. Từ đó, sẽ có những điều chỉnh khoa học nhằm thực hiện thành công mô hình bệnh án điện tử, góp phần từng bước xây dựng nền y tế thông minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.