Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cả nước mới có 37 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử

Thu Trang| 07/01/2023 16:54

(HNMO) - Theo lộ trình mà Bộ Y tế đưa ra, đến ngày 31-12-2023, tất cả cơ sở khám, chữa bệnh từ hạng I trở lên phải triển khai bệnh án điện tử. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, cả nước mới có 37 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, trong đó có một số bệnh viện hạng I.

Ngày 7-1, Hội Tin học y tế Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên đề “Ứng dụng phần mềm nguồn mở trong chuyển đổi số y tế”.

Quang cảnh hội thảo.

Từ năm 2020, Bộ Y tế đã phê duyệt chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Có thể khẳng định, chuyển đổi số trong ngành Y tế thời gian qua đã đem lại nhiều lợi ích cho cả cơ sở y tế và người dân, người bệnh. Tuy vậy, công tác này vẫn còn những khó khăn, vướng mắc khiến cho kết quả, hiệu quả nhiều hoạt động chưa đạt kỳ vọng.

Lý giải cho việc chuyển đổi số y tế tại các bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn, ông Trần Quý Tường, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), Chủ tịch Hội Tin học y tế Việt Nam cho rằng, nhận thức và sự quan tâm của các lãnh đạo cơ sở y tế đến số hóa, chuyển đổi số y tế chưa thực sự sâu sắc.

Ông Trần Quý Tường dẫn chứng, trong giai đoạn vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi số y tế. Bộ Y tế cũng đã phê duyệt chương trình xây dựng nền y tế thông minh. Cùng với đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 54 quy định về Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện và Thông tư 46 quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Đáng buồn là đến thời điểm này, nhiều giám đốc bệnh viện không biết đến các văn bản này.

“Trong Thông tư 46 được ban hành từ năm 2018, đã quy định nội dung bệnh án điện tử là gì, làm thế nào thay thế bệnh án giấy... Thế nhưng, đến nay, nhiều lãnh đạo bệnh viện không hiểu bệnh án điện tử là gì, có thay thế được bệnh án giấy không”, ông Trần Quý Tường chia sẻ.

Ông Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học y tế Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Theo lộ trình mà Bộ Y tế đưa ra trong Thông tư 46, đến ngày 31-12-2023, tất cả cơ sở khám, chữa bệnh từ hạng I trở lên (gồm 135 bệnh viện trung ương, bệnh viện địa phương và bệnh viện tư nhân) phải triển khai bệnh án điện tử. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, cả nước mới có 37 bệnh viện triển khai, trong đó có một số bệnh viện hạng I.

Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách, đặc biệt là cơ chế tài chính chưa có cũng là nguyên nhân khiến việc triển khai chuyển đổi số y tế chưa đạt như kỳ vọng. Còn về kỹ thuật, nhiều đơn vị còn lúng túng không biết sử dụng phần mềm nào trên thị trường.

Tại hội thảo, đã công bố phần mềm mã nguồn mở, các cơ quan, đơn vị có thể sử dụng miễn phí. Như vậy, phần mềm mã nguồn mở rất hữu ích và có nhiều lợi thế cho ngành Y tế trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy cộng đồng công nghệ thông tin y tế phát triển, giúp các bệnh viện không mất chi phí thuê/mua phần mềm, góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số y tế.

Phần mềm mã nguồn mở đã được Tập đoàn công nghệ Vietsens xây dựng và hoàn thiện trong 10 năm qua, hiện được sử dụng tại hơn 100 bệnh viện từ trung ương đến địa phương cũng như tại các phòng khám và trạm y tế phường, xã.

Bắt đầu từ ngày 7-1-2023, các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc sẽ được sử dụng phần mềm mã nguồn mở miễn phí tại địa chỉ https://benhvienthongminh.vn. Ứng dụng này sẽ giúp các cơ sở y tế dễ dàng chuẩn hóa, trao đổi dữ liệu liên tuyến, liên viện. Các bệnh viện đã triển khai thành công có thể hỗ trợ các bệnh viện khác nếu cần.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cả nước mới có 37 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.