Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng đi mới cho trái cây Việt Nam

Ngọc Quỳnh| 25/04/2018 07:08

(HNM) - Vừa qua, quả chôm chôm của Việt Nam chính thức được xuất khẩu sang một trong những thị trường khó tính là New Zealand. Điều này cho thấy tiềm năng xuất khẩu trái cây Việt Nam đang rộng mở và có hướng đi mới tích cực.

Cơ hội và thách thức

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2017, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt trên 3,5 tỷ USD, tăng hơn 40%; kim ngạch xuất khẩu quý I-2018 cũng đạt 950 triệu USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2017. Các mặt hàng trái cây của nước ta tiếp tục tăng trưởng mạnh tại nhiều thị trường lớn như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia... Nhiều loại trái cây như: Thanh long, xoài, nhãn, vải thiều, cam, quýt... cũng xuất hiện trên kệ các siêu thị lớn ở các nước: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đặc biệt, vừa qua, chôm chôm của Việt Nam được xuất khẩu sang New Zealand.

Sơ chế Thanh Long xuất khẩu tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí



Tuy nhiên, xuất khẩu trái cây cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm. Trao đổi về vấn đề này, theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Sơn: Hiện cả nước có 875.000ha cây ăn quả với 15 loại trái cây phục vụ chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên, diện tích sản xuất cây ăn quả của Việt Nam chủ yếu là vườn tạp, rất ít vườn chuyên canh với diện tích lớn. Nguồn nguyên liệu không ổn định dẫn tới doanh nghiệp khó khăn trong đáp ứng đơn hàng phục vụ xuất khẩu. Do sản xuất nhỏ lẻ, nguồn giống, quy trình chăm sóc không đồng đều dẫn tới một số mặt hàng chưa bảo đảm tiêu chuẩn khi xuất khẩu. Ngoài ra, việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất trái cây của Việt Nam còn yếu nên tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch còn cao, chiếm hơn 30%. Mặt khác, cước phí vận tải hàng trái cây của Việt Nam cũng cao so với các nước (10-15%) nên sức cạnh tranh kém...

Bên cạnh đó, các mặt hàng trái cây của Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu dưới dạng quả tươi nên yêu cầu về hàng rào kỹ thuật của những nước nhập khẩu càng gia tăng. Không riêng gì chôm chôm, mà với mỗi loại trái cây nhập khẩu, mỗi quốc gia lại có những tiêu chí riêng. Việc này buộc trái cây Việt Nam phải tuân theo tiêu chuẩn kiểm dịch của nước sở tại. Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung cho biết: Chôm chôm là quả xuất khẩu có tiềm năng phát triển của Việt Nam nhưng còn nhiều khó khăn. Với người tiêu dùng thế giới, đây là loại quả lạ nên vấp phải rào cản kỹ thuật kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm rất gắt gao của các nước nhập khẩu. Đặc biệt, New Zealand chỉ cho phép nhập khẩu những mặt hàng mà nước này đã xem xét phân tích rủi ro và ban hành quy định tiêu chuẩn sức khỏe hàng nhập khẩu. Tiến sĩ Michael Lay Lee - Giám đốc chương trình, Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand cho rằng, hiện Việt Nam có 2 loại quả xuất khẩu sang New Zealand là xoài, thanh long và đến nay là chôm chôm. Tuy nhiên, để thị trường này chấp nhận chôm chôm Việt Nam, rất cần bảo đảm chất lượng, New Zealand sẽ kiểm soát toàn bộ quá trình từ chọn cây giống, mẫu đất, nước, đến quá trình sơ chế, đóng gói...

Cải tiến giống và ứng dụng khoa học kỹ thuật

Để trái cây Việt Nam tìm hướng đi mới, thâm nhập sâu vào những thị trường khó tính, nâng cao kim ngạch xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định: Nhà nước cần có chính sách đầu tư về nguồn vốn cho nghiên cứu những bộ giống có chất lượng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của Việt Nam. Đặc biệt, phát triển những bộ giống cây ăn quả tốt, đa dạng, phù hợp thị hiếu các thị trường và đa dạng về thời gian thu hoạch; đồng thời cải thiện công nghệ bảo quản sau thu hoạch; xây dựng thương hiệu. Để bảo đảm yêu cầu về tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu, các địa phương khuyến khích người dân sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP... để có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của trái cây Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, các địa phương cần thực hiện quy hoạch vùng sản xuất gắn với thị trường. Những doanh nghiệp xuất khẩu cần thực hiện nghiên cứu thị trường để có thông tin chính xác về nhu cầu của người tiêu dùng nhằm có chiến lược mở cửa và xúc tiến thương mại phù hợp. Ngoài xuất khẩu dưới dạng quả tươi, các doanh nghiệp cần đầu tư khoa học công nghệ, chuyển sang sản phẩm đóng hộp, nước ép, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nước nhập khẩu...

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam Đàm Quang Thắng, Nhà nước nên có nhiều chính sách ưu đãi hơn cho doanh nghiệp về vốn; hỗ trợ nông dân trong sản xuất trái cây an toàn theo quy hoạch; tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng thương hiệu quốc gia cho từng sản phẩm trái cây; ưu đãi trong vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu (cước vận chuyển hiện nay khá cao so với các nước lân cận). Cùng với đó, Nhà nước cần chú trọng nhiều hơn trong nghiên cứu kéo dài thời gian bảo quản trái cây tươi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nghiên cứu, nhập công nghệ để thêm nhiều sản phẩm chế biến từ trái cây. Các bộ, ngành nên đẩy mạnh đàm phán và ký kết với các nước, mở rộng thị trường nhập khẩu cho nhiều loại cây ăn quả khác nhằm nâng cao kim ngạch xuất khẩu qua từng năm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng đi mới cho trái cây Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.