(HNMO) - Sáng 8-2, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến hướng dẫn điều trị và phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) tới 63 điểm cầu tỉnh, thành phố với gần 700 điểm cầu quận, huyện, thị xã.
Làm rõ về vi rút corona và vi rút corona chủng mới
Việt Nam hiện đã ghi nhận 13 trường hợp dương tính với nCoV, trong đó có 3 trường hợp được điều trị khỏi và xuất viện. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã ra Quyết định số 322/QĐ-BYT ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị viêm đường hô hấp cấp tính do chủng vi rút nCoV. Hướng dẫn này thay thế Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh nCoV ban hành kèm theo Quyết định 125/QĐ-BYT ngày 6-1-2020 của Bộ Y tế.
Hướng dẫn mới của Bộ Y tế nêu rõ, vi rút corona là một họ vi rút có khả năng lây truyền từ động vật sang người và gây bệnh cho người từ cảm lạnh thông thường đến các tình trạng bệnh nặng, đe dọa tính mạng của người bệnh, như: Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) năm 2002 và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) năm 2012.
Từ tháng 12-2019, một chủng vi rút corona mới (nCoV) đã được xác định là căn nguyên gây dịch nhiễm trùng hô hấp cấp tính tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, sau đó lan rộng ra toàn Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới. nCoV ngoài khả năng lây truyền từ động vật sang người, còn có khả năng lây trực tiếp từ người sang người qua giọt bắn đường hô hấp khi tiếp xúc gần.
Nhiều biểu hiện lâm sàng
Người nhiễm nCoV có biểu hiện lâm sàng đa dạng, từ nhiễm không có triệu chứng, giống như cảm cúm thông thường, tới những biểu hiện bệnh lý nặng, như: Viêm phổi nặng, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, suy chức năng đa cơ quan và tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh, nên chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Các biện pháp phòng bệnh chính là phát hiện sớm và cách ly ca bệnh.
Trong hướng dẫn mới của Bộ Y tế cũng định nghĩa rõ trường hợp bệnh nghi ngờ, bao gồm: Người bệnh có sốt và viêm đường hô hấp cấp tính và không lý giải được bằng các căn nguyên khác và có tiền sử đến, ở, đi về từ vùng dịch tễ có bệnh do nCoV trong khoảng 14 ngày, trước khi khởi phát các triệu chứng. Hoặc người bệnh có bất kỳ triệu chứng hô hấp nào và có ít nhất một trong hai yếu tố dịch tễ sau, xuất hiện trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng (tiếp xúc gần với trường hợp bệnh có thể hoặc xác định nhiễm nCoV; làm việc hoặc có mặt tại các cơ sở y tế đang điều trị các ca bệnh nCoV và tiếp xúc trực tiếp với những người bệnh này).
Về lâm sàng, thời gian ủ bệnh từ khi có phơi nhiễm với căn nguyên cho đến khi có triệu chứng đầu tiên từ 2-14 ngày, trung bình từ 5-7 ngày. Triệu chứng lâm sàng ban đầu hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Một số trường hợp đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy.
Dự phòng lây nhiễm cần được chú ý đặc biệt
Theo thông tin được Bộ Y tế đưa ra tại hội nghị trực tuyến sáng nay, về diễn biến, hầu hết người bệnh chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng một tuần. Một số trường hợp có thể viêm phổi, viêm phổi nặng, diễn tiến tới suy hô hấp (thở nhanh, khó thở, tím tái…), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), sốc nhiễm trùng, rối loạn thăng bằng kiềm - toan, suy chức năng các cơ quan dẫn đến tử vong. Thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi có diễn biến nặng thường khoảng từ 7-8 ngày. Tử vong xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo.
Dự phòng lây nhiễm là một bước quan trọng trong chẩn đoán và điều trị người bệnh nhiễm nCoV. Do vậy, cần được thực hiện ngay khi người bệnh tới nơi tiếp đón ở các cơ sở y tế. Các biện pháp dự phòng chuẩn phải được áp dụng ở tất cả các khu vực trong cơ sở y tế: Tại khu vực sàng lọc và phân loại bệnh nhân; áp dụng các biện pháp dự phòng giọt bắn; áp dụng các biện pháp dự phòng tiếp xúc; áp dụng các biện pháp dự phòng lây truyền qua đường không khí, khi thực hiện các thủ thuật liên quan.
Về nguyên tắc điều trị, cần phân loại người bệnh và xác định nơi điều trị theo các mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bệnh nhân được xuất viện khi hết sốt ít nhất 3 ngày, các triệu chứng lâm sàng cải thiện, toàn trạng tốt, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, chức năng các cơ quan bình thường, xét nghiệm máu trở về bình thường, X-quang phổi cải thiện. Hai mẫu bệnh phẩm (lấy cách nhau ít nhất một ngày) xét nghiệm âm tính với nCoV. Sau khi xuất viện, người bệnh cần theo dõi thân nhiệt tại nhà 2 lần/ngày, nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có các dấu hiệu bất thường khác, phải đến ngay cơ sở y tế để khám lại.
Đơn vị tiếp nhận bệnh phẩm và xét nghiệm:
- Phòng xét nghiệm Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương tiếp nhận và xét nghiệm bệnh phẩm gửi đến từ các tỉnh khu vực miền Bắc.
- Phòng xét nghiệm Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận bệnh và xét nghiệm bệnh phẩm gửi đến từ các tỉnh khu vực miền Nam và Tây Nguyên.
- Phòng xét nghiệm Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tiếp nhận và xét nghiệm bệnh phẩm gửi đến từ các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
- Phòng xét nghiệm Viện Pasteur Nha Trang tiếp nhận và xét nghiệm bệnh phẩm gửi đến từ các tỉnh khu vực miền Trung.
- Các phòng xét nghiệm khác khi được Bộ Y tế cho phép.
Tùy theo diễn biến của dịch bệnh nCoV và năng lực xét nghiệm của các đơn vị, Bộ Y tế sẽ xem xét mở rộng các đơn vị xét nghiệm khác khi cần thiết đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện và trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.