(HNMO) - Ngày 9-10, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo “Một số vấn đề về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động trong Bộ luật Lao động (sửa đổi)”.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và các đại biểu trong Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý và chuyên gia có nhiều kinh nghiệm.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai cho biết, Bộ luật Lao động năm 2012 (có hiệu lực năm 2013) đã tạo được hành lang pháp lý cho các chủ thể tham gia thị trường lao động.
Tuy nhiên, đến nay, nhiều quy định trong Bộ luật Lao động đã không còn phù hợp với thực tiễn và việc sửa đổi, bổ sung lần này nhằm giải quyết những chính sách lớn mà Đảng và Nhà nước mới ban hành.
Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung thực hiện mục tiêu thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, tạo nên sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật nói chung; đáp ứng yêu cầu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam trong các hiệp định đã ký, phê chuẩn.
Đồng chí Bùi Huyền Mai đề nghị các đại biểu phân tích về thực trạng việc tăng tuổi nghỉ hưu hiện nay; các vấn đề về sửa đổi, bổ sung tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động; quy chuẩn quốc tế và các bài học rút ra cho Việt Nam trong việc sửa đổi tuổi nghỉ hưu đối với người lao động trong Bộ luật Lao động…
Mở đầu hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đã giới thiệu khái quát về lý do cần thiết phải sửa đổi Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trong đó, điều quan trọng nhất là đáp ứng yêu hội nhập quốc tế vì Việt Nam đã tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)…
Thảo luận tại hội thảo, TS Nguyễn Xuân Thu (Phó Giám đốc Học viện Tư pháp) cho rằng, quy định về tuổi nghỉ hưu chuẩn của nước ta từ năm 1961 đến nay vẫn giữ nguyên là nam đủ 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Sự ổn định này đã lạc hậu khi các điều kiện cơ bản quyết định đến việc quy định tuổi nghỉ hưu đã có nhiều thay đổi.
Đồng tình với những vấn đề liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong Bộ luật Lao động (sửa đổi), PGS.TS Nguyễn Văn Định (Khoa Bảo hiểm, Đại học Kinh tế Quốc dân) đề nghị, sớm hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội khác có liên quan, nhất là các chính sách bảo hiểm xã hội và bảo trợ xã hội. Cùng với đó, việc cải cách chính sách tiền lương phải được gắn chặt với việc cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu và cụ thể hóa từng đối tượng cần tăng tuổi nghỉ hưu và những đối tượng có thể giữ nguyên như hiện nay hoặc được về hưu sớm trước tuổi quy định.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Văn Hà (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) lại đề nghị cân nhắc việc tăng tuổi nghỉ hưu.
“Trong thời điểm hiện nay và trong tương lai gần, chưa nên tăng tuổi nghỉ hưu đồng loạt như trong dự thảo. Việc tăng tuổi nghỉ hưu cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ với tầm nhìn dài hạn, không nên vội vàng”, luật sư Nguyễn Văn Hà nói.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng nêu và phân tích vấn đề về giới trong tăng tuổi nghỉ hưu, lộ trình nghỉ hưu, cơ chế khuyến khích cho những người tiếp tục làm việc…
Phát biểu tiếp thu, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu rõ: "Xây dựng luật là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của Quốc hội. Trong xây dựng luật, trách nhiệm và tiếng nói của đại biểu Quốc hội có ý nghĩa quan trọng. Thực hiện trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo để lắng nghe các ý kiến về những vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau".
Khẳng định hội thảo đã thành công khi 9 ý kiến đã cung cấp nội dung đầy đủ về quá trình xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi), cơ sở lý luận, thực tiễn, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị sau hội thảo, các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các đóng góp xác đáng. Các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cần nghiên cứu trên tinh thần quán triệt các mục đích, yêu cầu chung của việc sửa đổi luật và các văn bản của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng thời lắng nghe thêm ý kiến cử tri về vấn đề này…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.