Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cách nào lấp ''khoảng trống'' trước tuổi nghỉ hưu?

Minh Vũ| 03/05/2023 16:18

(HNMO) - Trong thời gian dài, nhu cầu sử dụng nhân lực ở nước ta tập trung chủ yếu vào nhóm lao động phổ thông. Thế nên, nhiều người lao động bước vào nhà máy, xí nghiệp làm việc và tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) ở độ tuổi còn khá trẻ. Còn hiện nay, trong bối cảnh hội nhập, phát triển, thị trường lao động hình thành nhiều vị trí việc làm mới, đòi hỏi người lao động đảm nhận những vị trí này phải qua đào tạo, vững kỹ năng nghề nghiệp.

Tham gia BHXH cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, giúp người lao động có điểm tựa an sinh vững  khi tuổi già.

Sự tác động, giao thoa giữa các giai đoạn phát triển của thị trường lao động làm nảy sinh vấn đề không dễ giải quyết, đó là một bộ phận lao động phổ thông từ 45 tuổi trở lên bị mất việc làm cũ, nhưng khó chuyển đổi sang công việc mới để tiếp tục có thu nhập và tham gia BHXH, cho đến khi đủ số tuổi nghỉ hưu theo quy định. Điều này tạo ra khoảng trống trước độ tuổi nghỉ hưu, khi họ đã có đủ số năm đóng BHXH (hiện là đủ 20 năm), nhưng chưa đủ tuổi để nhận lương hưu.

Thời gian chờ đợi nhận lương hưu với nhiều trường hợp lên tới hơn 10 năm, thậm chí 20 năm, khiến họ không đủ kiên nhẫn, nên nhiều người chọn phương án rút BHXH một lần. Trong trường hợp “gác sổ BHXH” chờ cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu để hưởng chế độ hưu trí, thì mức lương mà họ nhận được khá thấp do thời gian tham gia BHXH ngắn. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động và gia đình họ, mà còn tác động đến sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống BHXH, là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội. 

Để lấp “khoảng trống” trước tuổi nghỉ hưu, trong quá trình góp ý cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), nhiều ý kiến đề xuất nên xây dựng chế độ hưu trí đa tầng, không đánh đồng tuổi nghỉ hưu của người lao động là cán bộ, công chức, viên chức với người lao động làm công việc giản đơn, nặng nhọc. Cùng với đó là những chính sách vĩ mô, quy định rõ tỷ lệ lao động trên 45 tuổi phải có trong doanh nghiệp, qua đó hạn chế tình trạng doanh nghiệp sa thải người lao động lớn tuổi. Những đơn vị, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động từ 45 tuổi trở lên được hưởng ưu đãi về thuế, hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động…

Dưới góc nhìn khách quan, điều phối quốc gia chương trình an sinh xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam Nguyễn Hải Đạt cho rằng, cùng với các giải pháp hạn chế rút BHXH một lần của người lao động, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu phương án tăng phúc lợi hỗ trợ người lao động trong tình huống mất an ninh thu nhập. Giải pháp khác cần được tính đến là hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người lao động. Để làm được điều này, hệ thống bảo hiểm thất nghiệp cần cải thiện chương trình đào tạo và nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho lao động thất nghiệp. Nói cách khác, việc cải cách chính sách BHXH cần kết hợp với chính sách kinh tế, việc làm và lao động, tạo thế “kiềng 3 chân” vững chắc, giúp người lao động hạn chế rơi vào cảnh bị mất việc khi chưa đến tuổi nghỉ hưu…

Việc đào tạo nghề cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp cần hấp dẫn hơn.

Nhìn rộng ra có thể nhận thấy, tình trạng người lao động bị mất việc làm khi đã có đủ số năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí, nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu xảy ra ở một số quốc gia và họ có những giải pháp thích ứng khá thành công.

Như tại Hàn Quốc, nhiều người lao động bị ảnh hưởng về việc làm rộng mở cơ hội ở lại thị trường lao động nhờ các chính sách hỗ trợ từ quỹ lao động, gần giống với quỹ bảo hiểm thất nghiệp ở nước ta. Thế nên, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc, việc triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp và sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp ở nước ta cần rõ vai trò “phòng ngừa” thất nghiệp…

Còn ở Nhật Bản, quốc gia có dân số già, nhà nước quy định rõ những ngành, nghề cần tuyển dụng lao động nhiều tuổi, thậm chí sử dụng người về hưu, để nhóm lao động này không phải cạnh tranh công việc với người trẻ. Chính sách đào tạo nghề cho nhóm lao động lớn tuổi cũng phù hợp với nhu cầu sử dụng của thị trường việc làm. Ở góc độ này, thì công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho nhóm lao động lớn tuổi ở nước ta cũng cần được các bên liên quan chú trọng… 

Như vậy, công tác bảo đảm việc làm cho nhóm lao động từ 45 tuổi trở lên và giữ họ ở hệ thống BHXH cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu là vấn đề xã hội lớn, cần các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết bằng chuỗi giải pháp linh hoạt, đồng bộ, khả thi. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cách nào lấp ''khoảng trống'' trước tuổi nghỉ hưu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.