Lương - Bảo hiểm

Đến tuổi nghỉ hưu vẫn có thể tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu

Hà Hiền 18/03/2024 - 10:56

Với những người chưa có tên trên hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH), dù đến tuổi nghỉ hưu vẫn có thể tham gia BHXH để nhận về khoản tiền lương hưu đều đặn hằng tháng.

Cụ thể, Luật BHXH hiện hành quy định rõ 2 loại hình BHXH, trong đó BHXH bắt buộc áp dụng đối với các trường hợp làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng công an, quân đội…; còn BHXH tự nguyện áp dụng đối với người lao động làm những công việc tự do.

luong-huu-hd.jpg
Không giới hạn trần độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu.

Nếu như số năm đóng BHXH và độ tuổi nghỉ hưu của người lao động tham gia BHXH bắt buộc được quy định rõ ràng, chi tiết, thì với người tham gia BHXH tự nguyện, điều kiện tham gia và thụ hưởng rất linh hoạt.

Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Pháp luật không giới hạn độ tuổi tối đa được tham gia BHXH tự nguyện.

Về điều kiện hưởng, tương tự như BHXH bắt buộc, hiện nay, người tham gia phải có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Tuy nhiên, với những người tham gia muộn, khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu, họ được tạo điều kiện đóng một lần cho những năm còn thiếu.

Nếu còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng), thì người dân được đóng một lần cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Ví dụ, đến cuối năm 2024, bà Nguyễn Thị Hà đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng mới tham gia BHXH tự nguyện được 12 năm, còn thiếu 8 năm, thì trong năm nay, bà Hà có thể đóng tiền một lần cho 8 năm còn thiếu, để hưởng lương hưu từ tháng 1-2025.

Nếu còn thiếu trên 10 năm, mà người dân có nguyện vọng, họ được tiếp tục đóng BHXH tự nguyện tương tự như những người còn ở độ tuổi lao động, cho đến khi còn thiếu không quá 10 năm. Lúc này, họ được đóng tiền một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu trong thời gian gian sớm nhất.

Ví dụ, đến cuối năm 2024, ông Trần Văn Tiến đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng mới tham gia BHXH tự nguyện được 8 năm, còn thiếu 12 năm. Nếu có nguyện vọng tiếp tục tham gia, thì từ tháng 1-2025 đến hết tháng 12-2026, ông Tiến tiếp tục đóng BHXH tự nguyện như những năm trước đó. Đến năm 2027, ông Tiến đã đóng đủ 10 năm, còn thiếu không quá 10 năm, thì được đóng một lần cho 10 năm còn thiếu và hưởng lương hưu trong năm 2027.

Chiếu theo các quy định nêu trên, dù đến tuổi nghỉ hưu, người dân vẫn có thể đăng ký ghi danh trên hệ thống BHXH để được hưởng lương hưu.

Năm 2024, độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ trong điều kiện làm việc bình thường là 56 tuổi 4 tháng, của nam là đủ 61 tuổi. Nếu bắt đầu tham gia từ năm nay, thì đến năm 2034, người dân có đủ 10 năm đóng BHXH, sau đó đóng một lần cho 10 năm còn thiếu để hưởng lương hưu từ năm 2035. Lúc này, người tham gia là nữ nhận lương hưu khi hơn 66 tuổi, là nam nhận lương hưu khi đủ 71 tuổi.

Hiện tuổi thọ của người dân ngày càng nâng lên, nên người tham gia BHXH tự nguyện có cơ hội hưởng lương hưu trong thời gian dài. Đặc biệt, tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được xem xét thông qua, số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu giảm xuống còn 15 năm. Điều này đồng nghĩa, cơ hội thụ hưởng chế độ hưu trí đối với người tham gia BHXH nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng càng ngày càng rộng mở.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đến tuổi nghỉ hưu vẫn có thể tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.