Số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hằng tháng; trợ cấp hưu trí, xã hội trên địa bàn Hà Nội là hơn 53%, vượt xa chỉ tiêu đề ra.
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 1 triệu người cao tuổi, chiếm 13% dân số. Do đã hết tuổi lao động, sức khỏe giảm dần, nên đây là nhóm đối tượng cần được quan tâm, chăm sóc về nhiều mặt.
Chăm lo cho người cao tuổi, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đặc biệt chú trọng tạo điểm tựa an sinh cho họ. Đến nay, 100% người cao tuổi được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định.
Vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, người cao tuổi tròn 90 tuổi, tròn 100 tuổi trên địa bàn thành phố được tặng thiếp mừng thọ kèm theo quà mừng cao hơn quy định chung của trung ương. Trường hợp người cao tuổi cô đơn, không có nơi nương tựa, được đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng thường xuyên tại các trung tâm bảo trợ xã hội…
Cùng với việc thực hiện hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội quan tâm đưa người dân trong độ tuổi lao động vào hệ thống an sinh, bằng cách tham gia BHXH để có cơ hội nhận về khoản tiền lương, trợ cấp hằng tháng sau độ tuổi nghỉ hưu. Nhờ đó, Hà Nội có số lượng và tỷ lệ người dân sau độ tuổi nghỉ hưu có lương hưu hằng tháng đông nhất và cao nhất cả nước.
BHXH thành phố Hà Nội cho biết, tính đến hết năm 2023, số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí, xã hội đạt hơn 53%, vượt xa chỉ tiêu được giao (chỉ tiêu năm 2023 có từ 49% đến 51%). So với mục tiêu đề ra tại các chương trình, nghị quyết về an sinh xã hội của thành phố, đến cuối năm 2025, Hà Nội có ít nhất 55% số người sau tuổi nghỉ hưu có lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hưu trí, xã hội hằng tháng, thì mục tiêu này đang dần cán đích.
Việc chi trả chế độ tiền lương, trợ cấp BHXH, trợ cấp hưu trí, xã hội hằng tháng được các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội triển khai an toàn, đúng đối tượng thụ hưởng. Riêng năm 2023, các bên chi lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng cho gần 585.000 người hưởng với tổng số tiền hơn 39.103 tỷ đồng (tăng 4.687 tỷ đồng, tăng 12,8% so với năm 2022).
Nhờ có lương hưu, cuộc sống của người cao tuổi ổn định hơn, có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Ông Cao Kim Giao, 76 tuổi, cụm dân cư số 3, phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) cho hay: “Trước đây, tôi là công nhân Nhà máy điện Yên Phụ, nghỉ hưu theo chế độ mất sức. Sau nhiều lần tăng lương hưu, hiện tôi nhận về 4,8 triệu đồng/tháng. Tôi dùng số tiền này để trang trải cho các sinh hoạt thường nhật, chăm sóc sức khỏe những năm tháng tuổi già”.
Tương tự, bà Trần Thị Thắng (62 tuổi; thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì) cho biết: “Nhờ có khoản tiền lương khá cao, mức 8,5 triệu đồng/tháng, cuộc sống của tôi sau khi nghỉ hưu khá vui vẻ, thoải mái”.
Để nhiều người cao tuổi có cơ hội nhận về khoản tiền lương hằng tháng, năm 2024, BHXH thành phố Hà Nội cùng các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thu hút người lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Nhóm đối tượng tập trung khai thác là lao động làm nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc làm những công việc tự do, không theo chế độ hợp đồng lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.